Home

Nén hương nhịp nối đất trời

Email In PDF.

Trong văn hóa tâm linh làng quê đất Việt, nhang, hương luôn được chú trọng đầu tiên trong các nghi lễ cầu cúng theo phong tục truyền thống dân tộc. Đây vừa là sản phẩm tinh thần vừa là sản phẩm vật chất đem tới cho cuộc sống thêm niềm vui, hạnh phúc. Ở triều đại nào, thời kỳ nào cũng thấy nhang, hương được thắp ở khắp nơi từ nhang vòng trên các bát sứ và lư đồng hay nhang nén được cắm vào những bát nhang gốm sứ dưới những chân tường, bệ tượng, gốc cây, hòn đá,… khi chưa thắp gọi là nhang, thắp rồi là cây hương.

altCó nhiều loại nhang, hương như hương nén (hương thẻ), hương sào và hương vòng. Hương nén làm từ tăm tre tẩm bột, dài chừng 30 – 40cm, dày 3mm, phần bột bọc khoảng 2/3 chiều dài que tăm. Các thẻ hương được đựng trong bao giấy quấn, mỗi bao 27 cây và là loại hương nhỏ dùng trong nhà; mỗi que cháy khoảng nửa tiếng, tỏa ra mùi thơm ngọt, ấm và những làn khói trắng nhẹ nhàng. Hương sào có cấu tạo tương tự song lớn hơn, dài chừng 80 centimét, dày độ 1cm, mỗi túi năm cây, mỗi cây cháy năm tiếng. Hương vòng trái lại không có cốt tre, không dạng que mà có hình xoắn trôn ốc, có loại vòng to, vòng nhỏ khác nhau. Khi đốt cháy từ phải qua trái, tạo thành những vòng khói như đài hoa đang bay.

Từng loại nhang, hương đều có ý nghĩa sâu sắc. Cốt hay que hương bằng cật tre hoặc keo dính là biểu tượng của niềm tin bền vững. Màu vàng và đỏ của hương tượng trưng cho chiến thắng vinh quang và sự ngộ đạo, ngoài ra còn có nghĩa là ánh sáng và năng lượng tạo nên cảnh quan kỳ diệu. Mùi thơm của hương chiết xuất từ nhựa cây cũng đem tới sự sinh sôi, phát triển. Hình dáng cây hương còn như một nhịp cầu nối kết giữa trần gian và tiên giới, người sống và người đã khuất. Hương nén và hương sào ở thế đứng được xem là nấc thang nhanh nhất thẳng tiến từ đất lên trời. Hương vòng với các khúc cong uyển chuyển nằm ngang đính các sợi dây điều mỏng lại giống các tầng bậc lên thiên đường. Tựu chung, cả ba cõi trời, đất, người được nối liền bằng chiều dài của que hương.

Theo tín ngưỡng dân gian, muốn mời gọi anh linh về thụ lễ, con cháu trước tiên phải có nén hương để giao tế và chuyển tải lời cầu khẩn lên tiên tổ. Để phát huy trọn vẹn uy lực của cây hương, người dân thường đốt nhang bằng ngọn lửa đèn dầu thắp từ tinh chất vừng, lạc, đậu được tin là suối nguồn nuôi dưỡng ánh sáng và hơi ấm. Hoặc châm hương bằng diêm, đá lửa ví đó như lôi điện từ trên trời ban xuống.

Với đức tính đôn hậu, bác ái dân quê rất coi trọng việc thắp hương thờ cúng. Thắp hương trên ban thờ là để con cái chiêm vọng cha mẹ, cháu chắt cúng bái ông bà, tổ tiên và thắp hương đã trở thành nghĩa cử, tục lệ cao đẹp ở làng quê. Vào tiết thanh minh, mỗi gia đình đều thắp hương mộ chủ và những mộ của xóm giềng xung quanh để sự ấm áp, thơm tho, an lành sẽ đến với muôn nhà. Vào ngày xá tội vong nhân, mọi nơi cùng làm lễ, dâng hương cầu siêu cho những linh hồn lang thang. Mỗi người thắp một nén hương khói thơm nghi ngút, cảm thấy ấm áp lạ kỳ, tâm hồn sáng tươi và hướng thiện.

Từ xưa, ở quê đã có thói quen thắp 1, 3, 5, 7 hoặc 9 hay số lẻ các nén hương. Thường nhất là ba nén, một nén cắm chính giữa đứng thẳng, hai nén còn lại nghiêng hai bên. Theo thuyết luận đạo Lão là để cúng tam tinh (Phúc, Lộc, Thọ) và triết lý nhà Phật là để cúng tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), tam giới (dục, sắc, vô sắc giới), tam thời (khứ, vị, lai), tam vô lậu (giới, định, tuệ). Cũng có nơi thắp 5 cây hương sắp hai hàng, hàng trong ba cây lập án tam tài tương ứng với thiên, địa, nhân (trời, đất, người) đứng hàng ngang cai quản thế giới. Hàng ngoài hai cây tạo thế che đỡ cùng với ba cây kia tạo dựng ngũ khí, tức là năm nguyên tố cấu tạo vũ trụ: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (kim loại, cây cỏ, nước, lửa và đất). Ngoài hương con, nhiều người còn đốt hương to, hương vòng và tùy hình dạng bó hương đang cháy mà gửi tâm niệm như hương đốt chụm - muốn nói toàn thể gia quyến, đệ tử đồng tâm chiêm bái, nguyện cầu chư thần, chư Phật; hương tõe đi nhiều hướng hay nằm rải trên mặt phẳng là phát nguyện, đồng tâm dõi chín phương tám hướng thông suốt mọi tầng đất, tầng trời…

Ngoài chú ý tới hương, người ta còn coi sóc đến bát hương là đồ gốm sứ, kim loại cho cắm que hương ở vị trí trang trọng và để tàn nhang rụng vào đó. Trên bề mặt bát hương thường vẽ hình rồng, trong lòng bát chứa cát, gạo hoặc tro than lúa nếp… Tùy nơi, gia chủ sẽ trưng một hay ba bát hương sắp theo nguyên lý âm dương ngũ hành. Thông thường chính giữa ban thờ sẽ đặt một bát hương lớn tượng trưng cho các vì sao, trên cắm một cây trụ làm trục vũ trụ cũng là chỗ mắc hương vòng. Bên phải và trái kê hai bát hương nhỏ tạo thế tam tài, và ở hai góc ngoài cùng có hai cây đèn dầu và đế cắm nến - hiện sinh của mặt trời và mặt trăng. Vì bát hương là nơi “tiệc tùng”, nghỉ ngơi của anh linh, việc thay đổi bát hương có thể tác động lớn tới vận mạng gia chủ nên nhiều năm hay chỉ khi giỗ tết người ta mới thay bát hương một lần và thực hiện rất khe khắt, cẩn trọng.

Người quê đặc biệt xem trọng nghi lễ, cung cách thắp hương. Đứng trước ban thờ, người cúng phải cúi thấp trọng tâm, mắt nhìn xuống; khi mới thắp hương thì chắp tay trước ngực, hết hương thì vái và dâng hương thì quỳ lạy. Khi thắp hương, mọi người tuyệt đối không cười đùa, chòng ghẹo vì e ngại các vị thần sẽ giận dữ mà trừng phạt hoặc bỏ đi không tiếp lễ. Nhiều người tin rằng lòng thành sẽ cảm động được thần thánh nên mặc dù do độ ẩm, độ khô, độ ngậm lửa hay châm lửa quá to tự nhiên làm que hương nghiêng ngả, gãy khúc hoặc cháy bùng… họ vẫn tin đó là điềm báo thần linh đã chứng nhận cho mình. Cũng với niềm tin khi hương cháy là lúc tổ tiên đang hưởng lễ, con cháu phải chờ hết hương mới lễ tạ và hóa vàng. Nhìn nén hương đỏ lửa, ai nấy đều hồi hộp, khi hết hương gia chủ vui vẻ cúi xin tổ tiên phát lộc rồi mới nhẹ nhàng bưng đồ lễ xuống để cả nhà chung vui.

Hương khói đã là một phần không gian của mỗi gia đình. Khói hương cùng khói xanh, khói đỏ, khói trắng do ánh đèn dầu tạo nên một khung cảnh mơ hồ, linh thiêng. Những làn khói thanh cao, mỏng manh nghi ngút, mỗi lúc vươn cao như trí tuệ cao dày, công đức bao trùm. Từ xa, hương thơm tỏa khắp các gian nhà, ùa ra vườn, đường ngõ, đường làng, ao hồ và bất cứ một mùi thơm nào khác cũng không át nổi.

Vì mục đích cúng bái, ở quê ngoài chùa chiền một số gia đình cũng làm hương. Những nhà se hương đều là người có duyên nơi cửa thiền, và làm hương với tâm niệm thành kính đem hương thơm dâng hiến cho đời. Để làm một cây hương rất cầu kỳ trải qua nhiều công đoạn. Với hương nén và hương sào, đầu tiên phải chẻ tre làm tăm, chân hương. Đây phải là loại tre bánh tẻ, dai, dẻo, tước mảnh như que tăm dài chừng 30, 40 centimét, mài nhẵn và nhuộm đỏ bằng nước nghệ và hoa hiên. Thứ hai chế bột nhang. Xẻ gỗ mềm nghiền thành bột mịn, trộn với hỗn hợp chất thơm như trầm hương, đàn hương, quế, hồi, cam thảo, ngâu, bồ kết, nhục đậu khấu, đại hoàng,… Thứ ba pha nước đay nhớt để nhúng chân hương và lăn qua bột nhang cho dính bột. Cầm bó chân hương tẽ dạng quạt nhúng xuống chậu nước nhớt, lăn vào đống bột nhang sau đó phơi khô. Người ta thường se nhang ba lần. Lần một se lớp áo trong. Khi khô tiếp tục nhúng nhanh qua nước lăn tiếp se lớp áo ngoài và cuối cùng se lớp áo cánh suộm mầu và bột thơm tinh chất. Với nhang vòng, do không chứa cốt tre giữ cho thân nhang khỏi gãy thì ở khâu làm bột phải trộn vào đó chất keo thật dính. Rồi đổ bột ẩm vào khuôn khắc rãnh các hình xoáy tròn, nèn chặt, chờ tới khi khô mới cho bong ra và buộc dây néo thân nhang.

Vào ngày nắng, về các nẻo quê nơi đâu cũng thấy rực màu hương vàng, hương đen, tăm đỏ. Từng sấp, từng bó được phơi phóng trên những giá, mẹt san sát mặt ngõ, những ngả đường vào làng và những giàn cao đa tầng lộng gió thơm ngát.

Chu Mạnh Cường

alt