Home

Đức hỗ trợ di sản văn hóa Việt Nam

Email In PDF.
“Bảo tồn Cung An Định và Lăng Tự Đức là công việc rất quan trọng đối với việc giữ gìn và phát huy các di sản của Huế”. Đó là nhận định của Thạc sỹ Andrea Teufel, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản Đức đưa ra mới đây. Gắn bó với công việc bảo tồn các di sản Huế từ 5 năm nay, Thạc sỹ Andrea Teufel và các cộng sự rất yêu mến công việc của mình. Đối với họ, bảo tồn Cung An Định và Lăng Tự Đức, là một công việc quan trọng, giúp Huế nói riêng, Việt Nam nói chung bảo vệ được các di sản đang dần xuống cấp. Bên lề hội thảo “Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam” mới đây, Tạp chí Ngày Nay đã phỏng vấn chuyên gia Andrea Teufel, về dự án Bảo tồn Cung An Định, Lăng Tự Đức (Huế), 2 công trình trong chương trình văn hoá “Đức hỗ trợ bảo tồn văn hoá ở Việt Nam”.

Thưa bà, dự án trùng tu Cung An Định đã được tiến hành từ năm 2003. Bà có thể cho biết một số nét chính về dự án này?

Cung An Định là nơi ở của vua Khải Định khi ông còn sống. Cung điện này có một nét rất đặc biệt đó là kết hợp giữa phong cách châu Âu và truyền thống Việt Nam. Trong Cung An Định, có các bức tranh tường mang phong cách Baroc. Vua Khải Định là một người rất mê kiến trúc đặc biệt là kiến trúc Pháp, nên Cung An Định mang dáng vẻ độc đáo như vậy. Hơn nữa, trong một lần đến thăm Huế, chúng tôi đã tìm thấy một nét phong cách châu Âu. Toàn bộ nét kiến trúc ở Cung An Định mang kiến trúc Pháp và châu Âu, chúng tôi hiểu rằng việc phục chế những bức tranh tường này vẫn là những thách thức. Chúng tôi đã quyết định giúp đỡ Việt Nam, xin tài trợ của dự án để bảo tồn Cung An Định.

Công việc phục chế Cung An Định đã diễn ra 5 năm và cũng đã có không ít khó khăn đặt ra. Nhìn lại dự án này, theo bà thách thức lớn nhất là gì?

Chan-dungCái khó là việc phục chế và bảo tồn các bức tranh trong Cung An Định. Các bức tranh tường trong Cung An Định đều được vẽ bằng sơn dầu - một phong cách khá phổ biến ở châu Âu và nó chỉ phù hợp với thời tiết khí hậu ở châu Âu. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời tiết nhiệt đới, nên việc bảo tồn rất khó khăn. Làm sao bảo tồn được các bức tranh cổ này trong điều kiện thời tiết khắt khe như vậy, đó là một thách thức. Ở Việt Nam, độ ẩm cao, mưa - mốc rất nhiều, nguyên liệu phục chế tranh sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết là không có. Cho nên chúng tôi đã phải mang trang thiết bị, vật liệu từ Mỹ sang để phục chế. Cũng xin nói thêm là hai điểm di tích này được phục chế hoàn toàn khác nhau. Nếu như Cung An Định, chúng tôi tập trung phục chế các bức tranh tường, thì Lăng Tự Đức chúng tôi phục chế cổng và bình phong. Điểm khác biệt của 2 dự án này là một cái nằm trong nội thất, một cái nằm bên ngoài Lăng. Vì thế công tác bảo tồn cũng hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi sử dụng kỹ thuật ở Lăng Tự Đức theo phong cách hoàn toàn truyền thống của Việt Nam, bằng vôi vữa và khảm sành sứ.

Thưa bà, chúng tôi được biết dự án “Đức hỗ trợ di sản văn hoá Việt Nam” có rất nhiều hạng mục nhằm bảo tồn nhiều công trình văn hoá khác nhau ở Việt Nam. Tại sao Cung An Định và Lăng Tự Đức lại được “lựa chọn” là những công trình đầu tiên được bảo tồn?

Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên năm 2003, chúng tôi đã rất ngỡ ngàng trước các kỹ thuật của châu Âu được thực hiện tại một thành phố rất truyền thống như là Huế. Đây cũng là lý do khiến chúng tôi liên lạc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để thực hiện dự án này. Thực tế cho thấy kỹ thuật tranh tường Cung An Định rất quý hiếm ở Việt Nam, đây là điều chúng tôi rất tâm đắc. Còn việc chọn Lăng Tự Đức cũng có nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Chúng tôi chọn Cổng vào Lăng và đôi Bình phong vào ngay khu mộ Vua Tự Đức là bởi kiến trúc của nơi này rất đặc biệt, đậm nét văn hoá cổ của Việt Nam. Chúng tôi muốn bảo tồn di tích, thí điểm ở đó, từ đó nhân rộng ra các dự án khác, để Việt Nam có thể áp dụng được các kỹ thuật trùng tu bảo tồn này.

Như vậy là chặng đường đầu tiên của dự án Đức hỗ trợ di sản văn hoá Việt Nam đã đi qua. Bà có lời khuyên gì đối với Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn di sản?

Chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng ở Đức rất dược chú trọng, giảng dạy trong các trường đại học. Dù mới làm việc ít năm ở Việt Nam, nhưng tôi thấy một thực tế: việc đào tạo các chuyên gia bảo tồn, bảo tàng ở Việt Nam dường như chưa được chú trọng. Đây sẽ là một thiệt thòi đối với việc bảo tồn di sản ở Việt Nam. Vì thế theo tôi, Việt Nam nên có một ngành chuyên về bảo tồn di sản ở các trường đại học. Tôi đề xuất ý tưởng này bởi tôi biết rằng ở Việt Nam có rất nhiều di tích đang bị xuống cấp, mà các bạn lại đang rất thiếu người làm về công tác bảo tồn.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này./.

Hồ Điệp

Ngay-nay