Home

Hội Gióng hội tụ đủ các yếu tố để trở thành di sản thế giới

Email In PDF.
Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc nổi lên như một lễ hội đặc biệt trong số hơn 7.000 lễ hội dân gian ở nước ta. Hội Gióng diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng Tư (Âm lịch) được ví như "một bảo tàng văn hóa, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa- tín ngưỡng". Lễ hội ẩn tàng cả hệ tư tưởng đạo lý và triết học, nhằm thể hiện sự hòa hợp trong gia đình, trong quốc gia, đồng thời hướng tới mong ước thiên hạ thái bình.

Giá trị độc đáo của Hội Gióng

Thanh_GiongHội Gióng là lễ hội đầu tiên ở nước ta được lập hồ sơ để trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội Gióng là một trong những lễ hội lớn của cả nước, miêu tả lại toàn bộ cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của cha ông ta (từ lúc chuẩn bị vũ khí, lực lượng, lương thảo cho đến khi kết thúc trận đánh, tướng giặc bị bắt và được tha). Hội Gióng được nhân dân địa phương lưu truyền từ đời này qua đời khác mà không làm mất đi nét độc đáo. Ghi chép của nhà nghiên cứu người Pháp G.Dumoutier từ năm 1893, cho đến ghi chép của GS.TS.Nguyễn Văn Huyên băm 1938, hay ghi chép của GS.Trần Quốc Vượng năm 1987 và các bài viết mới nhất của các nghiên cứu đều cho thấy sự thống nhất và nguyên vẹn trong Hội Gióng.

Theo GS.TS.Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nét độc đáo của Hội Gióng thể hiện ở những điểm sau: Một là: đây là lễ hội có từ lâu đời, tích hợp nhiều lớp văn hóa. Lõi ban đầu của hội Gióng là lễ hội nông nghiệp. Vào tháng Tư khi mưa xuống người ta bắt đầu một vụ mùa mới, trồng cấy, thu hoạch. Nhiều nghi lễ, nhiều tục trong hội Gióng mang tính phồn thực của một lễ hội nông nghiệp. Từ thời Lý, Trần hội Gióng bắt đầu thay đổi trở thành một hội sáng tạo ra một biểu tượng tinh thần cố kết chống ngoại xâm. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Thánh Gióng trở thành biểu tượng mang tính đa diện, thể hiện những phẩm chất và hành động của người anh hùng làng Gióng chống ngoại xâm, người bảo vệ cho mùa màng, người mang mưa gió thuận hòa đến các làng quê... và Thánh Gióng trở thành một trong 4 vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt Bắc bộ.

Thứ hai, trong Hội Gióng có diễn xướng dân gian, liên quan đến múa hát ải lao, múa hồ... và diễn xướng tiêu biểu nhất là diễn xướng 3 trận đánh giặc Ân bằng ngôn ngữ biểu tưởng.

Điểm thứ ba là tính nhân dân của hội Gióng. Hội Gióng có số lượng người tham gia trình diễn rất lớn, vì thế khâu lựa chọn cũng rất kỹ. Người ra cắt cử bình bầu ai là ông hiệu cờ, hiệu trống, ai tham gia quân Gióng, ai tham gia quân giặc Ân. Ông hiệu cờ là biểu tượng của Gióng phải kiêng kị, được chăm sóc kỹ lưỡng hàng tuần trước thời điểm lễ hội diễn ra. Con cháu người đó phải tiêu biểu, tốt thì mới được tham gia, nếu không tốt thì bị loại trừ ngay. Thông qua đó, người ta tạo ra lực đẩy để các gia đình phấn đấu. Họ coi việc tham gia vào diễn xướng là một vinh dự, ở đây tính nhân dân, tính người dân không ai áp đặt.

Hội Gióng diễn ra trong không gian rất rộng. Lễ hội có hai tâm điểm là làng Phù Đổng và Sóc Sơn - nơi Gióng sinh ra và nơi ông bay về trời. Còn những làng khi Gióng đi qua, nơi Gióng nghỉ chân lại để tắm thì trong dịp lễ hội, người ta đều tổ chức hội. Hội Gióng là hội của cả một vùng, tạo nên một quần thể lễ hội.

Hội Gióng đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng Hội làng Việt Nam. Hội Gióng chứa đựng những khát vọng nhân bản ngàn đời của con người, của nhân loại: Đất nước thái bình, cá nhân có trách nhiệm với quốc gia và gia đình khiến cho các cá nhân cộng đồng ở Việt Nam, cộng đồng thế giới tăng cường khả năng đối thoại, thông qua những thông điệp lịch sử mà các thế hệ tiền nhân đã gửi gắm trong diễn xướng của Hội Gióng. Đây thực sự là một lễ hội của hòa bình và an lạc.

Bà Katherine Muller Marin Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội cho biết: “Khi tham gia lễ hội, tôi có thể hiểu được các quy trình tổ chức lễ hội theo tín ngưỡng dân gian là thế nào và nhận thấy Hội Gióng có đầy đủ các yếu tố để đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đánh giá cao sự tham gia của cộng đồng trong Hội Gióng, bà Katherine Muller Marin nhấn mạnh: những người dân nơi đây đã chuẩn bị rất nhiều nhân lực và vật lực để trình di sản văn hóa này lên UNESCO. Sự đồng thuận của cộng đồng rất quan trọng, bởi đây là một trong những yêu cầu đặt ra đối với các di sản đệ trình lên UNESCO.

Giữ gìn và phát huy giá trị của Hội Gióng trong thời hiện đại

Hội Gióng có đủ các yếu tố cần thiết để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đặc biệt là yếu tố cộng đồng tham gia vào bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Điều quan trọng là bảo tồn di sản này trong nhịp sống hiện đại ngày nay ra sao?

Tại cuộc hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại (Trường hợp Hội Gióng) diễn ra tại Hà Nội trong các ngày 19 và 20/4/2010, bên cạnh việc khẳng định những giá trị tiêu biểu, độc đáo của Hội Gióng, nhiều tham luận còn đưa ra những hướng tiếp cận mới như: Vai trò người phụ nữ trong lễ hội Gióng và lễ hội đền Hát Môn ở Hà Nội (TS.Phạm Lan Oanh, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam); Khai thác quá khứ cho mục đích đương đại (TS Đoàn Minh Châu - Cung văn hóa thanh niên); Đã đến lúc kể lại truyền thuyết Gióng (PGS.TS.Nguyễn Bích Hà, ĐH Sư phạm Hà Nội); Thánh Gióng - Thiên tráng ca sức mạnh và nhân cách người Việt (PGS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam); Giải mã các biểu tượng trong Hội Gióng (TS.Vũ Anh Tú, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam)...

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: Lễ hội Gióng là sản phẩm văn hóa đặc biệt, đáp ứng được những nhu cầu hoạt động tinh thần của con người, nhưng với tư cách là một loại hàng hóa đặc biệt thì nó phải mang lại lợi ích kinh tế, nhưng nó vẫn phải được quan tâm giá trị tinh thần là chính, chứ không phải là lợi nhuận. Phần lõi của nó vẫn là tín ngưỡng, vui chơi, giải trí, giao duyên lành mạnh, cộng với hoạt động dịch vụ để phục vụ yêu cầu của người đến chơi, tham gia lễ hội mang lại lợi ích cộng đồng. Chúng ta phải làm sao để hai lợi ích đó hài hòa với nhau, đem lại vật chất và tinh thần cho cộng đồng, cho chủ thể sáng tạo văn hóa.

Th.s Vũ Ngọc Hoa ở Viện Văn hóa nghệ thuật VN nêu kiến nghị: Việc bảo tồn lễ hội nói chung, hội Gióng nói riêng cần có sự chung tay của các nhà nghiên cứu trong nhiều ngành như: văn hóa, lịch sử, dân tộc học, nhân học và của chính cộng đồng sở tại. Việc bảo tồn lễ hội một cách tự nhiên, phù hợp với nhận thức lịch sử, đánh giá lịch sử, quan điểm thẩm mỹ của cộng đồng mới có khả năng bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa trong sinh hoạt lễ hội Gióng trong xã hội hiện nay.

Một số ý kiến khác cho rằng: để bảo tồn và phát huy giá trị của Hội Gióng, cần đảm bảo không gian cho lễ hội; bảo tồn các tục rước, nghi lễ và trò chơi trong lễ hội; tạo môi trường thuận lợi để hoạt động lễ hội và du lịch tại Sóc Sơn tồn tại và phát triển lâu bền; nâng cao khả năng tổ chức, quản lý lễ hội; xây dựng các tour du lịch về di tích và lễ hội; nâng cao nhận thức văn hóa của ngưòi dân địa phương về giá trị di sản văn hóa mà mình đang nắm giữ; xây dựng chương trình quảng bá về ý nghĩa, giá trị của các di tích và lễ hội...

PGS-TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Biện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Việt Nam - cơ quan chủ trì xây dựng Hồ sơ Hội Gióng nhấn mạnh: "Chúng tôi đã làm hết sức mình cho bộ hồ sơ và nó đã đáp ứng về khoa học, kỹ thuật. Trong hồ sơ này, chúng tôi cũng nêu nhiều giải pháp để gìn giữ và phát huy giá trị của Hội Gióng, trong đó, điều đầu tiên là giáo dục cộng đồng ý thức về giá trị của di sản để người ta giữ gìn. Bên cạnh đó, việc quảng bá giá trị của di sản là rất cần thiết. Việc biên soạn sách, truyền thuyết về Thánh Gióng sao cho cô đọng, bao quát. Rồi việc làm sao để cộng đồng được hưởng lợi từ di sản cũng là vấn đề chúng cần quan tâm".

Ngày 31/8/2009, Hồ sơ đề cử Lễ hội Gióng đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam hoàn thành và được gửi tới trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp)./.

Hồng Mai

Ngay-nay