Home

Văn học với yêu cầu Giáo dục nhân cách cho trẻ em

Email In PDF.
Phẩm chất, tư cách - phẩm cách, sự thành đạt ở một con người, cho cả một đời người, khiến họ được người đời yêu kính, ngưỡng mộ, theo tôi, được xác định ở hai phương diện: đó là tri thức và nhân cách. Trong đó, tri thức là chuyện phải tích lũy, thu gom và bồi đắp suốt cả đường đời. Nhất là trong một xã hội học tập, một nền kinh tế tri thức như hiện nay. Và đường đời, có cái phần đầu đời, rất quan trọng - đó là việc tiếp nhận tri thức ở nhà trường. Do vậy, yêu cầu về tri thức cho tuổi trẻ, trong giới hạn của tuổi ở học đường là tuỳ thuộc chủ yếu, hoặc toàn bộ ở chương trình học của các cấp.

small_nss_1257214427Một chương trình thích hợp với yêu cầu của cấp học, của lứa tuổi - đủ cho sự trang bị của trẻ để vào đời, đủ cho việc đáp ứng các nhu cầu nghề nghiệp của xã hội, đó là việc mà Bộ Giáo dục- đào tạo có trách nhiệm chính, không ai thay thế được. Việc giảm tải chương trình học cho các cấp hiện nay; việc không khuyến khích hoặc ngăn chặn các kiểu học thêm, học ngoài giờ, ngày học đêm học; với những cặp căng phồng sách vở, chĩu cả vai, kể từ đứa trẻ mới vào cấp Tiểu học, thậm chí vào lớp 1, là việc cả xã hội đã quan tâm và báo động từ rất lâu, mà những chuyển biến ở Bộ còn rất chậm.

Phương diện thứ hai là nhân cách, cũng là vấn đề có rất lắm hiện tượng cần báo động, bởi biết bao là tệ nạn xã hội diễn ra hằng ngày, hằng giờ, không trừ bất cứ tầng lớp nào, ngay từ các bậc làm thầy, kể cả lứa tuổi bé thơ. Có phải vì thế mà giới công tác văn học – tôi dùng chữ công tác, với phạm vi bao quát là những người sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu, phê bình văn học, trong đó có sáng tác và phê bình văn học thiếu nhi, cũng cần thấy trách nhiệm của mình để vào cuộc.

Theo tôi hiểu, nhân cách - đó là vấn đề làm người; ở nhà trường đó là việc học làm người. Nói thế để thấy nhà trường không phải chỉ là nơi cung cấp và nhồi nhét các tri thức; mà trước hết phải là nơi giáo dục, đào tạo một thế hệ trẻ có phẩm chất và tư cách làm người. Tư chất này theo tôi là rộng hơn mục tiêu: Tiên học lễ, hậu học vănLễ, chỉ là một phạm vi, một khu vực hẹp trong đào luyện nhân cách; còn nhân cách – nó là một tổng hợp rất nhiều yếu tố, để có thể cho “ra lò”, và đưa vào xã hội những con người với các tư chất đáp ứng cho yêu cầu thúc đẩy sự phát triển cuộc sống, và tạo nên một bầu không khí lành mạnh, thân thiện trong tất cả các mối quan hệ xã hội, từ rộng đến hẹp, nhằm bồi đắp cho cái tốt, cái đẹp, cái tích cực, cái tử tế, cái lương thiện, và thu hẹp ảnh hưởng của cái xấu, cái ác; thu hẹp như cách ta thường kêu gọi. chứ không phải tiêu diệt; bởi cái xấu, cái ác chẳng ở đâu và lúc nào mà tiêu diệt nổi.

Nhân cách, theo nghĩa rộng và với mục đích cao nhất là như thế vừa đòi hỏi ở mỗi con người một sự phấn đấu suốt đời, vừa đòi hỏi ở xã hội, một sự phối hợp hợp lý, ăn ý, hài hoà trên tất cả các phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, văn học, văn chương, nghệ thuật. Và như vậy, câu chuyện chúng ta đang bàn hôm nay là một câu chuyện có ý nghĩa quan trọng, động đến mối quan tâm của nhiều người, thậm chí của tất cả mọi người. Câu chuyện văn học nói chung, và văn học thiếu nhi nói riêng, góp phần như thế nào vào việc giáo dục và đào luyện nhân cách cho trẻ em.

Văn học Trung đại, đề rất cao chữ Đạo, chữ Chí, và chữ Lễ. Văn học cách mạng, trong nhiều chục năm qua, đặt rất cao chức năng giáo dục của văn học. Riêng với văn học thiếu nhi, chúng ta tập trung chung quanh 5 lời dạy của Bác Hồ: “Yêu Tổ quốc. Yêu đồng bào/ Học tập tốt. Lao động tốt/ Đoàn kết tốt. Kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn. Thật thà. Dũng cảm”. Do yêu cầu của chiến tranh và cách mạng, trong hoàn cảnh kinh tế- xã hội chưa phát triển, do đời sống văn hoá, văn nghệ còn nghèo... văn học thiếu nhi một thời dài đã bám rất sát các yêu cầu giáo dục của Đảng, và đã có những mùa màng tốt đẹp, trong việc chuyển tải những tình cảm truyền thống như tình yêu nước, tình tương thân, tương ái, “người trong một nước phải thương nhau cùng”, và tình giai cấp, tình đồng chí, đồng đội, để tạo nên những tấm gương người tốt, việc tốt cho các em noi theo. Do các phương tiện thông tin, giải trí còn chưa phát triển nên việc đọc và sức đọc của các em cả một thời là rất lớn, trong đó Nhà xuất bản Kim Đồng, qua hơn 50 năm tồn tại của nó là có công rất to.

Từ sau Đổi mới, và nhất là vào giao điểm giữa hai thế kỷ, khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và Toàn cầu hoá, tình hình đọc và những vấn đề đặt ra cho văn học và văn học thiếu nhi đã có rất nhiều thay đổi, thậm chí là những thay đổi khiến ta giật  mình. Văn hoá đọc giảm hẳn sức hấp dẫn. Mỗi quyển thơ in 500 bản, mỗi tiểu thuyết in 1000 bản, trên số dân 85 triệu mà vẫn khó bán. Văn học cho thiếu nhi, ngoài Nhà xuất bản Kim Đồng, tỉnh nào cũng có sách in; thế nhưng nhìn vào việc đọc của các em, thì mới thấy sự thống trị tuyệt đối của truyện tranh dịch, như Đôrêmôn của Nhật Bản. Nhìn vào hoạt động của các em, nhất là các em ở lứa tuổi nhỏ thì, ngoài thời gian học ở trường và ở nhà chiếm gần hết thời gian nghỉ ngơi, gần như số đông, nếu không nói là tất cả là dồn vào xem phim hoạt hình, và trò chơi điện tử. Đó là nói ở thành phố, thị trấn. Còn ở nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa thì vừa không có sách đọc, vừa vắng hiếm cả người đọc. Khó mà thấy lại hình ảnh của các em say  mê với các trang chữ như những năm trước đây. Thay vào đó, bây giờ là hình ảnh các em ngồi hàng giờ trước màn hình... Một thực trạng như vậy quả có làm ta giật mình; nhưng nghĩ kỹ, lại thấy có lý do để giải thích... Bởi một chương trình nhà trường quá nặng. Bởi ngoài thời gian học ở trường và ở nhà, các em có rất ít thời gian để đọc, để chơi. Bởi những thú vui, thú chơi ngoài sách là quá nhiều... Với một thực trạng như thế, theo tôi nghĩ, ta nên xác định lại những mục tiêu mà văn học thiếu nhi có thể vươn đến và đạt được - đó không phải hoặc không thể là mục tiêu giáo dục, trước hết là giáo dục đạo đức lý tưởng như cách trước đây chúng ta chủ trương. Còn về giáo dục nhân cách, như quan niệm tôi đã trình bày ở trên thì, riêng văn học không thể nào làm xuể, hoặc làm được; vì đó là một việc quá lớn, phải có sự phối hợp gia đình, nhà trường, và toàn bộ hệ thống thiết chế xã hội chăm lo. Nếu cái tiêu cực gây hại hoặc loại bỏ nhân cách con người, loại bỏ phẩm chất người đã len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống, gồm cả nhà trường với những người có học, có đọc và được giáo dục thì thử hỏi văn học còn có thể làm được gì? Có nghĩa là văn học cần tập trung vào những mục tiêu nó có thể làm được, theo tôi nghĩ, đó là một hiệu quả giải trí lành mạnh và có ích cho các em. Tôi nhấn mạnh sự giải trí lành mạnh, và có ích, và cả thông minh nữa, để tránh những phương thức giải trí không lành mạnh, hoặc có hại đang tràn ngập hiện nay, mà chúng ta đang gắng sức ngăn chặn, nhưng thật không dễ chút nào. Một cuốn sách có tác dụng giải trí lành mạnh, và có ích, bằng chữ hoặc bằng tranh, chắc chắn sẽ được các em vui thích đón đọc; và sau tác dụng giải trí, sẽ là tác dụng thanh lọc và làm giàu có thế giới tâm hồn con người, thay vì những căn dặn trực tiếp về đạo đức hoặc lý thuyết xa xôi về lý tưởng...

Như vậy vấn đề giáo dục nhân cách con người – là một mục tiêu cao, cho cả đời người, cần được chuẩn bị sớm cho các thế hệ trẻ, ngay từ lúc vào đời. Nhưng phải là một chuẩn bị thích hợp với lứa tuổi, trong đó có lứa tuổi học mà chơi, chơi mà học, kết hợp học tập và giải trí; trong một thời đại có rất nhiều phương tiện cho con người sử dụng để nhận thức thế giới, mà văn học chỉ là một hoạt động ở vị trí khiêm tốn, nhưng lại có ưu thế riêng. Đó là năng lực gợi mở, đánh thức những khả năng tưởng tượng và mơ ước của con người. Bởi là con trẻ, các em có cả một cuộc đời dài để mơ ước, và thực hiện các mơ ước. (Cuốn sách mới gần đây của Nguyễn Nhật Ánh, có tên Đảo mộng mơ, trong Hội chợ sách TP. Hồ Chí Minh, tháng 3-2010 vừa qua rất được các bạn đọc nhỏ tuổi hào hứng đón nhận, với số lượng bán kỷ lục là 10.000 bản). Từ những giải trí lành mạnh và có ích, đến khả năng gợi thức trí tưởng tượng và mở rộng những mơ ước - đó là con đường thuận nhất và thích hợp nhất cho văn học thiếu nhi góp phần kiến tạo và rèn luyện nhân cách con người trong Kỷ nguyên thông tin và Xã hội hiện đại./.

G.S Phong Lê

Ngay-nay