Home

Múa trống đôi - Nét độc đáo của người Chăm H'roi

Email In PDF.
Người Chăm H’roi sống gần gũi với người Ba Na, Êđê ở các huyện Vân Canh tỉnh Bình Định và Đồng Xuân, Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, vì vậy văn hoá Chăm H’roi có những pha trộn độc đáo giữa các nền văn hoá. Cồng chiêng và diễn tấu cồng chiêng của người Chăm H’roi có phần na ná như cách diễn tấu chiêng của người Ba Na. Riêng múa trống đôi - nét độc đáo chỉ có ở người Chăm Hroi.

trongdoiSân nhà sàn, ngôi nhà chung của làng Hà Rai đêm nay rộn vang tiếng trống, tiếng cồng chiêng. Ông Mang Thông, trưởng thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân, Phú Yên) say sưa đánh trống như khoe với chúng tôi lối đánh trống đôi độc đáo của người Chăm H’roi. Vừa đánh, ông vừa chỉ bảo cho các trai làng cách đánh trống sao cho đúng nhịp. Hai chàng trai trẻ So Điền Thanh và So Minh Cư không ngần ngại “biểu diễn” múa trống đôi thay cho lời chào khách. Đứng đối diện nhau, trống đeo nằm ngang trước bụng, chân nhún nhảy theo nhịp, hai tay vỗ vào mặt trống liên hồi, hai người múa trống tạo nên một không khí tràn đầy hứng khởi. Âm thanh của hai chiếc trống đan xen nhau với nghệ thuật pha tiết tấu rất linh hoạt. Trống này ngừng, trống kia đánh, trống này chậm rãi, trống kia đánh dồn dập, khiến người nghe có cảm giác như một cuộc đối thoại, người hỏi, người trả lời. Bạn có tin hay không thì tuỳ, nhưng ông Mang Thông dám chắc với tôi rằng, người Chăm H’roi có thể trò chuyện, tâm tình với nhau bằng tiếng trống. Anh So Điền Thanh giải thích: “Nếu yêu quý nhau âm điệu hai trống hoà quyện, nghe hay, tình cảm. Một khi đã không ưa nhau thì tiếng trống đốp chát, giận dữ như cãi nhau”. Múa trống đôi với nhau tức là trò chuyện cùng nhau. Thậm chí, nghe hai người đánh trống đôi với nhau, ta có thể đoán biết được tình cảm của hai người, vui, buồn, nhớ nhung, trách móc…

Múa trống đôi không dễ. Trống thì nặng mà tay lại phải múa liên tục, thân mình luôn di chuyển, tung lên, bật xuống, nhún nhảy. Cho nên người múa phải có sức khoẻ thì đối thoại mới sôi nổi. Thanh niên làng Hà Rai ai cũng thích trống đôi, nhưng chỉ vài người múa giỏi. “Cái khó nhất chính là ở chỗ làm thế nào để cho tiếng trống của hai người không bị lỗi nhịp, có thể hoà vào nhau. Muốn vậy, phải là hai người hiểu nhau, tâm đầu ý hợp mới có thể cùng nhau chơi trống. Thậm chí ngoài đời họ còn là bạn chí cốt”, So Minh Cư bật mí.

Trống đôi chơi theo ngẫu hứng. Đó là những khúc biến tấu nhịp điệu, lúc thì nhẹ nhàng như lời tâm sự, lúc hưng phấn, sôi nổi tột độ tùy theo tâm trạng hứng khởi của người múa. Bởi vậy, những người chơi trống đôi như nghệ nhân So Điền Thanh, So Minh Cư phải nắm vững nhịp điệu, tiết tấu, đồng thời lại phải có khả năng cảm nhận tinh tế để mà hòa âm.

Thường thì người Chăm H’roi hoà tấu trống đôi cùng với chinh 5, cồng 3, tạo không khí sôi động cho các lễ hội. Xưa, loại nhạc khí này được coi là phương tiện để con người giao tiếp với thần linh. Nay, trong các sinh họat cộng đồng, vui chơi ca hát, múa trống cũng là tiết mục không thể thiếu. Đội cồng chiêng, trống đôi của thôn Hà Rai toàn những người trẻ, từng đi biểu diễn ở nhiều nơi như Thành phố Hồ CHí Minh, Hà Nội, Đà Lạt và để lại những ấn tượng khó quên cho người thưởng thức. Cặp đôi múa trống So Minh Cư, So Điền Thanh giành nhiều huy chương, giải thưởng từ các hội diễn nói rằng: “Trống đôi của người Chăm H’roi có từ lâu đời rồi. Mình lớn lên, bước vào tuổi thanh niên là tập múa trống, đấy là cái cổ truyền của ông bà để lại nên mình phải tiếp nối”. Bản sắc văn hoá của người Chăm H’roi còn được lan toả khi còn nhiều người trẻ đam mê như vậy./.

Nam

Ngay-nay