Home

Mùa xuân theo ghe xuôi lục tỉnh

Email In PDF.
Cho-noi-cai-Rang-5Vào tiết xuân, trời Nam ấm áp, chúng tôi làm một chuyến xuôi miền Tây trên chiếc ghe vừa có tay chèo, vừa gắn máy. Nơi con lạch nhỏ, dùng chèo, dùng gậy để luồn lách. Còn khi muốn vi vu giữa dòng sông nước, chỉ cần dật khẽ sợi dây là chiếc ghe rung lên bần bật rồi bất thần lao lên phía tước, để lại phía sau một vệt nước sáng trắng. Trên sông Tiền, tấp nập những chiếc ghe liền kề bên nhau và những âm thanh từ mặt sông vọng lên ồn ã như… họp chợ - Chợ ghe, một nét riêng của sông nước miền Tây. Nhưng để đến được chợ ghe Cái Bè nổi tiếng, từ thành phố Cần Thơ còn phải đi thêm chừng 45 cây số nữa mới tới.

Chợ nổi Cái Bè trên sông Tiền Giang, nơi có ba tỉnh gặp nhau là Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Nhìn những sản phẩm trên hàng trăm chiếc ghe là thấy mùa xuân đã tràn ngập khắp miền châu thổ. Rau tươi và trái cây đủ loại. Chôm chôm đỏ rực, nhìn xa như những bó hoa đủ màu. Đu đủ vàng mơ, xoài, ổi… những sản phẩm quen thuộc miệt vườn. Người mua, kẻ bán bước qua ghe thuyền chòng chành lắc lư như làm xiếc. Đôi chân thoăn thoắt, chú Hai, chú Tư, thím Sáu… gọi chào nhau í ơi.

Trên chợ ghe, người mua, mua lẹ, người bán cũng bán lẹ để còn tính xuôi, ngược đường về. Chú Hai chủ tàu ngồi trên đầu ghe, nhậu tạm mấy con sò nướng, vài ba xị đế với mấy ông bạn lâu ngày.

Theo một chủ ghe qua cầu Mỹ Thuận, chúng tôi vượt sông Tiền, lọt vào địa phận tỉnh Vĩnh Long láng giềng. Trên hai bờ, ngút ngàn những vườn cây ăn trái nối dài như vô tận. Vườn chuối tiêu, vườn xoài, vườn ổi, chôm chôm, sầu riêng, thơm… quanh năm trái chín. Từ chiếc ghe đã vơi nhẹ trái chín, đôi câu vọng cổ như thả xuống sông, la đà mặt nước sao nghe man mác đến nao lòng.

Rồi một hôm mưa buồn xóm chợ

Bên thúng trầu xanh em chờ bạn chung tình

Mưa gió cách ngăn duyên kiếp đôi mình

Anh không đến nữa, để phiên chợ buồn…ờ… hơ… héo hắt trầu xanh…

Nơi ngã ba sông Hậu và sông Măng Thít hiện lên một thế giới ghe xuồng, có lẽ còn tấp nập hơn ở Cái Bè. Khó mà đếm hết được ghe xuồng vào ra. Đó chính là chợ Trà Ôn, chợ nổi cuối cùng trên sông Hậu trước khi con nước đổ ra cửa biển. Theo các vị cao niên thì đây là một chợ nổi tiếng bậc nhất và có lẽ cũng là lâu đời nhất miền Tây. Chợ nổi Trà Ôn tập trung nhiều sản phẩm trong vùng Vĩnh Long rộng lớn và trù phú. Ngút ngàn trái dưa, ổi, cam, thơm, mít, bưởi… còn những buồng chuối mà mỗi trái cong vút như những sừng bò, nối đuôi nhau vào chợ. Tôi như thấy hiện ra trước mắt những vườn chuối tít tắp đâu đó dọc dài hai bờ sông Hậu, Vĩnh Long. Ngồi trên ghe cứ nao nao muốn xuống ngay chợ khi xuồng vừa kịp neo. Du khách đến đây có thể mua nhiều, hay chỉ một chùm nhãn, một vài cân xoài, một đôi túm chôm chôm, vài ký sò… chợ hiện diện trên mỗi khúc sông. Có lẽ chợ nổi là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống từng vùng miền ở mỗi nơi chúng tôi đặt chân đến. Người mua, kẻ bán, đôi khi xa lắc xa lơ, chẳng họ hàng quen biết, nhưng mở miệng ra là chú Hai, chú Tư, xưng con thân tình như thể người nhà gặp lại nhau. Những chiếc ghe sạm đen thoắt đến, thoắt đi, và chú Hai chú Tư vườn xoài vườn mít mình trần, nước da nâu bóng cũng theo những chiếc ghe vơi nhẹ rẽ con nước xuôi. Mấy chú đó đi đâu, về đâu. Nào ai biết. Nhưng ngày mai, mở mắt ra đã thấy các chú ung dung ngồi trên ghe với một cồn đầy những xoài, dừa, chôm chôm.

cho-noi

Chuyện trò với ba bốn chú Hai, chú Sáu nhâm nhi xị đế, vừa ngắm con nước mênh mang, tôi chợt nghĩ, cuộc sống ở đây thật hối hả mà sao thân tình đến lạ. Chỉ cần chào hỏi đôi câu là có thể hồn nhiên cùng ngồi, cùng nếm miếng cá tràu trui lửa, tôm nướng thơm đến nghẹt mũi. Chỉ một vài xị đế con con, dăm ba ông chèo ghe, chở xuồng chụm lại với nhau là nên bữa nhậu um xùm, cần chi mâm bát lôi thôi.

Chẳng ai biết chợ nổi có từ bao giờ, nghe các chú kể: Lũ tui lớn lên đã thấy chợ nổi, chợ ghe rồi. Đi kháng chiến, qua mấy con sông, lũ tui theo ghe mà chuyển vùng, theo ghe mà kiếm bữa cơm bữa mì của bà con cô bác. Ngày tui còn nhỏ lắm, vào đồng ngã Năm, ngã Bảy, Ba Xuyên bứt lúa rồi cho ghe táp vô chợ nghỉ qua đêm. Đêm trăng, lũ con trai con gái văn nghệ hát hò với nhau để quên đi mệt nhọc một ngày đồng. Vui lắm. Có anh chị còn lén lén hun nhau nữa đó. Nhưng lũ tui hồi đó còn con nít, chẳng biết chi trọi trơn…

Đến chợ nổi không chỉ được mua được bán mà còn được nghe những bài vọng cổ thướt tha mượt mà, lắng đọng, da diết… nao nao cõi lòng:

Anh thương em, thương quấn thương quýt

Bồng ra gốc mít, bồng xít gốc chanh

Bồng quanh đám sậy

Bồng bậy vô mui …

Khi chưa kịp có tuổi thì họ đã theo ba má lên ghe, nhập chợ. Có lẽ chợ có từ lâu lâu lắm rồi, từ khi miền Tây có con sông Tiền, sông Hậu, con sông cổ Chiên, Lòng Tàu…

Ít năm nữa, chắc sẽ có nhiều siêu thị mọc lên trên hai bờ Cần Thơ, Mỹ Tho, Bến Tre, Cà Mau… Những chợ lớn đất liền sẽ khang trang, quy củ. Nhưng có lẽ, chừng nào còn sông nước Lục tỉnh thì chợ nổi vẫn còn tồn tại cùng cư dân miệt vườn. Chợ nổi đã gắn liền với nếp sống, tạo nên cộng đồng, tình nghĩa, tạo nên sự giao lưu, buôn bán, tạo nên vẻ riêng độc đáo của một vùng đất sông nước miền Tây. Rất có thể bạn sẽ phát hiện ra đôi điều kỳ thú để một lần đến lại thêm một lần hẹn ngày trở lại. Chợ nổi Cái Bè sông Tiền, chợ nổi Phụng Hiệp, nơi giao điểm của 7 nhánh sông, chợ nổi Châu Đốc An Giang, chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, Sóc Trăng, chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Cà Mau … Đất miền Tây, nơi nào có sông là có chợ nổi.

Đêm về ngỡ là chợ nổi cũng vãn như những chợ quen thuộc trên đất liền. Nhưng những chiếc xuồng lui rồi lại tới, tới rồi lại lui. Những ngọn đèn sáng trên những mạn xuồng lung linh soi bóng xuống khúc sông ngã ba dài rộng, trông huyền ảo như thế giới riêng của cổ tích. Có người đã ngủ, mình trần phơi ngực cho ngọn gió đêm. Mấy bác, mấy chú vui chuyện gì đó quanh chiếc đèn cồn. Mùi tôm nướng, cá trui phảng phất lan tỏa trên khắp khúc sông. Ngắm nhìn bình minh phương Nam đang rõ dần từng vệt sáng từ phía cửa sông.

Ngoảnh nhìn dòng sông, chợ nổi trong sương mờ buổi sớm ngỡ như một cù lao xanh di động. Từng đốm vàng mơ như vạt nắng. Đây đó màu xanh xen giữa những đốm hồng, chấm phá những dáng người đi lại… như một bức tranh thực thực hư hư trôi nổi, bập bềnh. Có phải đó là bức tranh xuân độc đáo, chỉ có thể nhìn thấy ở miền Tây sông nước, miệt vườn?

Như Nguyễn

Ngay-nay