Home

UNESCO là gi?

Email In PDF.
Chỉ mục bài viết
UNESCO là gi?
Tôn chỉ và Mục đích
Các lĩnh vực chuyên môn
Chiến lược của UNESCO
Ngân sách UNESCO
Các cơ quan lãnh đạo
Các quốc gia thành viên
Giải thưởng UNESCO
Các ngày kỷ niệm
UNESCO - Một nhịp cầu nối tương lai
Tất cả các trang
Tên gọi và lịch sử ra đời

Tên gọi đầy đủ của UNESCOParthenon Athens

Tên tiếng Anh: United Nations Educational Scientific and Cultural Organization.
Tên tiếng Việt: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc.


Biểu tượng của Tổ chức

UNESCO sử dụng hình ảnh mô phỏng mặt tiền của Đền Thờ Parthenon làm biểu tượng của Tổ chức. Parthenon là một công trình kiến trúc văn hoá Hy Lạp cổ đại, làm bằng đá cẩm thạch trắng, kiến trúc theo trường phái Doric nổi tiếng, nằm trong quần thể kiến trúc Ancropolis trên đồi Athen, khởi móng từ năm 477 trước CN, được người cổ đại xếp hạng là một trong bảy kỳ quan văn hoá thế giới. Đây là một công trình kiến trúc tiêu biểu cho nền văn minh loài người, là biểu tượng của vẻ đẹp lý tưởng, của sức mạnh trí tuệ và khả năng sáng tạo của con người – thể hiện nội dung, tư tưởng và lòng khao khát cao cả rất gần gũi với những gì UNESCO đang vươn tới.




Lịch sử ra đời của UNESCO

Đầu năm 1942, trong khi Chiến tranh thế giới Hai đang diễn ra khốc liệt thì chính phủ các nước châu Âu trong khối liên minh chống phát xít đã tổ chức một hội nghị tại Vương quốc Anh, có tên là “Hội nghị Các bộ trưởng giáo dục của các quốc gia đồng minh” (Conference of Allied Ministers of Education, CAME) để bàn bạc và chuẩn bị cho các vấn đề sau chiến tranh. Thế chiến Hai vừa kết thúc, trong khi các quốc gia đang phải vật lộn với tình hình hậu chiến đầy khó khăn thì các nước đồng minh đã tính tới ngay việc xây dựng một hệ thống giáo dục phục vụ cho thời bình. Một dự án khẩn trương đã đạt được một sự nhất trí mang tính toàn cầu. Các quốc gia mới bao gồm các thành viên của Liên Hợp Quốc đã quyết định tham gia vào dự án này.
Theo lời kêu gọi của CAME, một hội nghị đã được triệu tập trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc (ra đời trước đó không bao lâu, ngày 24-10-1945), để bàn về việc thành lập một tổ chức về văn hoá và giáo dục (ECO/CONF) diễn ra tại London từ ngày 1 đến 16 tháng 11 năm 1945. Hội nghị diễn ra ngay sau khi chiến tranh vừa mới kết thúc. Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của đại diện 44 quốc gia. Căn cứ theo đề nghị của Pháp và Anh, là hai nước được coi là chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến tranh vừa qua, các đại biểu đã đi đến nhất trí về việc thành lập một tổ chức quốc tế tiêu biểu,xứng đáng với một nền văn hoá vì hoà bình. Các quốc gia mong mỏi tổ chức này hướng tới việc thiết lập “một tình đoàn kết về trí tuệ và lương tri của toàn nhân loại” và hành động nhằm loại bỏ nguy cơ chiến tranh.
Kết thúc Hội nghị có 37 trong số 44 nước đã quyết định việc thành lập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UNESCO). Ngày 16-11-1945 Hội nghị đã ký thông qua nội dung Công ước UNESCO. Công ước này đã có hiệu lực sau đó một năm, vào ngày 4-11-1946, sau khi được chính phủ của 20 trong số 37 quốc gia tham gia hội nghị London phê chuẩn. Ngày 16-11-1945 được coi là ngày ra đời UNESCO. Hai mươi quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước UNESCO được coi là các thành viên ban đầu (Sáng lập viên) của UNESCO, đó là: Ai Cập, Vương Quốc Anh, Ấn Độ, Australia, Brazil, Canada, Đan Mạch, Cộng hoà Dominican, Tiệp Khắc, Pháp, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Lebanon, Mexico, Na Uy, Nam Phi, New Zealand, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Đại hội đồng đầu tiên của UNESCO được tổ chức tại Paris, Pháp từ ngày 19-11 đến 10-12-1946 với sự tham gia của đại diện của 30 chính phủ thành viên có quyền bầu cử.
Tàn dư của Thế chiến Hai cũng được phản ánh trong cơ cấu của các Quốc gia Sáng lập của UNESCO. Những quốc gia từng là phát xít như Nhật Bản và Cộng hoà Liên bang Đức đến năm 1951 mới đủ điều kiện để trở thành thành viên UNESCO, còn Tây Ban Nha là năm 1953. Những nhân tố lịch sử và chính trị như Chiến tranh lạnh, phong trào độc lập dân tộc và quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân trong những năm 60 của thế kỷ XX, sự sụp đổ của Đông Âu và tan rã của Liên Xô cũng kéo theo những thay đổi căn bản về cơ cấu thành viên của UNESCO. Chỉ riêng năm 1960 có 19 quốc gia châu Phi gia nhập UNESCO. Chỉ từ 1991-1993 từ một quốc gia Liên bang Xô viết (cũ) đã thành 13 quốc gia thành viên độc lập… Do tính bị chi phối bởi quy chế thành viên của Liên Hợp Quốc nên Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trở thành thành viên duy nhất tại UNESCO, Cộng hoà Dân chủ Đức là thành viên của UNESCO từ 1972, nhưng đến 1990 thì trao quyền đại diện cho Công hoà Liên Bang Đức.


Các tổ chức tiền thân của UNESCO (tham khảo)

- Uỷ ban Hợp tác Trí tuệ Quốc tế (The International Committee of Intellectual Co-operation, CICI), đóng tại Geneva từ 1922-1946;
- Viện Hợp tác Trí tuệ Quốc tế (International Institute of Intellectual Co-operation, IICI), trụ sở tại Paris, 1925-19646;
- Văn phòng Quốc tế về Giáo dục (International Bureau of Education, IBE), trụ sở tại Geneva, 1925-1968. Từ 1969 IBE trở thành một bộ phận của UNESCO.


Những mốc lịch sử quan trọng của UNESCO trong 60 năm qua

Ngày 16-11-1945: Đại diện của 37 quốc gia họp tại London để ký Công ước UNESCO. Ngày này được lấy làm ngày ra đời của UNESCO.

Ngày 4-11-1946: Công ước UNESCO có hiệu lực sau khi được chính phủ của 20 nước phê chuẩn.

1948: UNESCO khuyến nghị với các nước thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc và miễn phí trên phạm vi toàn cầu đối với trình độ tiểu học.

1952: Một hội nghị liên chính phủ đã được UNESCO triệu tập để thông qua Công ước Quốc tế về Quyền tác giả. Công ước góp phần tăng cường khả năng bảo vệ quyền tác giả đối với một số quốc gia trước đây chưa có điều kiện tham gia Công ước Berne về Bảo vệ các tác phẩm Văn học và Nghệ thuật ký từ 1886.

1956: Cộng hoà Nam Phi rút khỏi UNESCO với lời buộc tội là UNESCO đã cho phát hành hàng loạt các ấn phẩm mang tính “can thiệp nội bộ” đối với Nam Phi trong “các vấn đề về chủng tộc”. Năm 1994 Tổng thống Nelson Mandela lên nắm quyền và Nam Phi đã trở lại UNESCO.

1958: Khánh thành khu nhà Trụ sở của UNESCO tại Paris do nhóm kiến trúc sư Marcel Breuer (Mỹ), Pier-Luigi Nervi (Italy) và Bernard Zehrfuss (Pháp) thiết kế.

1960: Phát động Chiến dịch Nubia ở Ai Cập nhằm dịch chuyển Đền thờ Vĩ đại ở Abu Simbel đến vị trí an toàn để bảo tồn sau khi Ai Cập xây dựng đập nước Aswan. Trong vòng 20 năm thực hiện chiến dịch này, 22 công trình kiến trúc và tượng đài đã được di chuyển nguyên vẹn đến khu vực an toàn. Đây là một trong những công trình lớn nhất trong hàng loạt các chiến dịch bảo tồn di sản văn hoá do UNESCO phát động, bao gồm chiến dịch Moenjodaro (Pakistan), Fez (Maroc), Kathmandu (Nepal), Borobudur (Indonesia) and the Acropolis (Hi Lạp).

1968: UNESCO tổ chức Hội nghị liên chính phủ đầu tiên hướng tới việc giải quyết mối quan hệ giữa môi trường và phát triển, mà hiện nay người ta gọi là “phát triển bền vững”. Hội nghị này là nguyên nhân dẫn đến việc ra đời Chương trình toàn cầu của UNESCO gọi là “Con người và Sinh quyển”.

1972: Một Công ước quốc tế liên quan đến Bảo vệ các Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới đã được thông qua tại UNESCO. Uỷ ban Di sản Thế giới được thành lập năm 1976 và những di sản đầu tiên trên thế giới được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới vào năm 1988.

1974: Giáo hoàng John Paul VI trao tặng Giải thưởng Hoà Bình John XXIII cho UNESCO.

1975: Trường Đại học Liên Hợp quốc được thành lập tại Tokyo dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và UNESCO.

1978: UNESCO thông qua Bản Tuyên bố về Chủng tộc và thành kiến chủng tộc. Những bản báo cáo tiếp theo liên quan đến các chủ đề do Tổng Giám đốc nêu đã gây ra nhiều tai tiếng, gây mất tín nhiệm cho UNESCO, dẫn đến giải thể nhóm khoa học nghiên cứu về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

1980: Hai tập sách đầu tiên Lịch sử Đại cương về Châu Phi của UNESCO được phát hành. Tiếp đến là các tập tương tự về các khu vực khác, đáng chú ý là về lịch sử vùng Trung Á và Caribé.

1984: Hoa Kỳ rút khỏi UNESCO do bất đồng trong vấn đề quản lý và những lý do khác. Tiếp đến là Anh và Singapore rút khỏi UNESCO vào năm sau, 1985. Ngân sách của UNESCO bị giảm đột ngột.

1990: UNESCO tổ chức Hội nghị quốc tế về “Giáo dục cho tất cả mọi người” tại Jomtiem, Thái Lan. Hội nghị đã phát động phong trào quốc tế về tạo điều kiện phổ cập học tập cơ bản cho trẻ em, thanh niên và người lớn. Mười năm sau, một hội nghị tương tự được tổ chức ở Dakar, Senegal, gọi là Diễn đàn Quốc tế về Giáo dục để đệ trình với các quốc gia những mục tiêu trên lĩnh vực giáo dục cơ bản cho tất cả mọi người cần đạt được vào năm 2015.

1992: Thành lập “Bộ nhớ” cho các chương trình quốc tế trên lĩnh vực bảo quản các thư viện gồm những sản phẩm văn hoá không thể thay thế được và bảo quản các bộ sưu tầm đang được lưu trữ. Nay các đối tượng cần được bảo vệ đó còn có các hiện vật lưu âm thanh, phim và các sản phẩm truyền hình.

1997: Vương quốc Anh quay lại UNESCO.

1998: Bản Tuyên bố về Nhân quyền đã được UNESCO biên soạn và thông qua vào năm 1997 đã được Liên Hợp Quốc phê chuẩn.

1999: Tổng Giám đốc Koichiro Matsuura tiến hành cải cách tổng thể cơ cấu và thực hiện chính sách phi tập trung hoá bộ máy công chức và hoạt động nghiệp vụ của UNESCO.

2001: Đại hội đồng UNESCO thông qua Bản Tuyên bố Quốc tế về Tính đa dạng Văn hoá.

2003: Hoa Kỳ quay lại UNESCO.

2005: Nước Hồi giáo Brunei trở thành quốc gia thành viên thứ 191 của UNESCO.




Tôn chỉ và Mục đích của UNESCO


Vì sao người ta thường nói rằng “Mục đích của UNESCO là cao đẹp”?

Lời mở đầu của Công ước UNESCO nói rằng: “Chiến tranh nảy sinh trong đầu óc con người, vậy ngay trong đầu óc con người cần phải xây dựng thành trì của hoà bình”, và rằng: “ Một nền hoà bình chỉ xây dựng trên các hiệp định kinh tế và chính trị giữa các chính phủ không thể nào giành được sự ủng hộ nhất trí lâu dài và chân thành của các dân tộc, vì vậy nền hoà bình ấy phải được thiết lập trên cơ sở đoàn kết trí tuệ và tinh thần của nhân loại.”
Bởi vậy UNESCO xác định mục đích cơ bản của mình là: “Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế bằng cách thắt chặt hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hoá để đảm bảo sự tôn trọng của tất cả các nước về công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo của Hiến chương Liên Hợp Quốc đã công nhận đối với tất cả các dân tộc”.
Như vậy: Thông qua việc thành lập hoặc gia nhập tổ chức UNESCO, các dân tộc và các quốc gia mong muốn thực hiện ý tưởng về một sự “đoàn kết trí tuệ và tinh thần” với tầm nhìn của toàn nhân loại và lấy đó làm nền tảng để vun đắp cho một nền hoà bình vững chắc. Đó cũng là điểm khác biệt của UNESCO so với nhiều tổ chức chuyên môn khác của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế nói chung.


Chức năng căn bản của UNESCO

Nhằm đạt tới mục tiêu của mình, Công ước thành lập UNESCO quy định các chức năng:

1. Khuyến khích sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa các dân tộc qua những phương tiện thông tin rộng rãi, khuyến nghị những hiệp định quốc tế cần thiết để khuyến khích tự do giao lưu tư tưởng bằng ngôn từ và hình ảnh.

2. Thúc đẩy mạnh mẽ việc giáo dục quần chúng và truyền bá văn hoá bằng cách:
- Hợp tác với các nước thành viên trong việc phát triển các hoạt động giáo dục theo yêu cầu của mỗi người;
- Hợp tác giữa các quốc gia nhằm thực hiện từng bước lý tưởng bình đẳng về giáo dục cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, hoặc bất cứ một sự phân biệt nào khác về kinh tế xã hội;
- Đề xuất những phương pháp giáo dục thích hợp để chuẩn bị cho trẻ em thế giới về trách nhiệm đối với tự do.

3. Duy trì và nâng cao ứng dụng kiến thức bằng cách:
- Bảo tồn và bảo vệ di sản thế giới về sách báo, tác phẩm nghệ thuật và các công trình lịch sử hay khoa học và khuyến nghị với các nước hữu quan về các công ước quốc tế cần thiết;
- Khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia về tất cả các ngành hoạt động trí tuệ, trao đổi quốc tế cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá và truyền thông, kể cả trao đổi sách báo, trao đổi các sản phẩm có giá trị khoa học, nghệ thuật và các tư liệu thông tin khác;
Khởi xướng những phương thức hợp tác quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ở tất cả các nước tiếp cận được với tất cả các ấn phẩm của những nước khác.
UNESCO đặc biệt coi trọng nguyên tắc: “Quan tâm đảm bảo tính độc lập, toàn vẹn và đa dạng phong phú của các nền văn hoá và hệ thống giáo dục của các nước thành viên và không can thiệp vào những công việc thuộc quyền giải quyết nội bộ của mỗi nước.”



 

Các lĩnh vực chuyên môn của UNESCO

Hành động hướng tới giải quyết các thách thức thời đại và toàn cầu

UNESCO triển khai các hoạt động của mình trên các lĩnh vực chuyên môn sau: Giáo dục, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Văn hoá, Thông tin và Truyền thông. Các lĩnh vực chuyên môn chính và các lĩnh vực chuyên sâu do các vụ, các phòng ban chuyên môn của Ban Thư ký của UNESCO phụ trách. Cấu trúc và mối quan hệ giữa các lĩnh vực chuyên sâu và các chuyên đề cụ thể được sắp xếp hệ thống như sau:

1. Giáo dục:
- Quyền được học tập
- Các kế hoạch và các chính sách về giáo dục
- Trẻ em độ tuổi ấu thơ và gia đình
- Giáo dục tiểu học
- Giáo dục trung học
- Giáo dục cao đẳng
- Giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề
- Giáo dục khoa học và công nghệ
- Giáo dục phi chính quy
- Giáo dục kỹ năng
- Giáo dục sức khoẻ nhà trường và giáo dục HIV/AIDS
- Tính đa dạng văn hoá và ngôn ngữ trong giáo dục
- Giáo dục sư phạm
- Giáo dục trong hoàn cảnh nguy cấp, khủng hoảng và tái thiết
- Giáo dục thể chất và thể thao
- Giáo dục về hoà bình và nhân quyền
- Giáo dục phi bạo lực

2. Khoa học tự nhiên:
- Khoa học về nước sạch
- Nghiên cứu về vấn đề con người, tính đa dạng sinh học và sinh thái học
- Hải dương học
- Khoa học về trái đất
- Khoa học cơ bản và khoa học chế tạo
- Khoa học về các vùng ven biển và các đảo nhỏ
- Chính sách khoa học
- Khoa học về thiên tai
- Vấn đề phụ nữ và khoa học
- Nghiên cứu về hệ thống tri thức bản địa

3. Khoa học Xã hội và Nhân văn:
- Mỹ học
- Nhân quyền
- Triết học
- Vấn đề giải quyết tận gốc rễ sự đói nghèo
- Tương lai học
- Khoa học nghiên cứu về biến đổi xã hội

4. Văn hoá:
- Di sản thế giới
- Di sản vật thể
- Di sản phi vật thể
- Tính đa dạng văn hoá
- Hành vi chuẩn mực
- Đối thoại giữa các nền văn hoá
- Văn hoá và phát triển
- Nền công nghiệp văn hoá
- Nghệ thuật và sáng tạo
- Quyền tác giả
- Bảo tàng
- Du lịch văn hoá
- Tiêu điểm đặc biệt

5. Thông tin và truyền thông:
- Sự truy cập thông tin
- Sức chứa thông tin và tạo dựng thông tin
- Phát triển nội dung thông tin
- Tự do biểu cảm
- Phát triển phương tiện thông tin đại chúng
- Bảo quản thông tin

Các chủ đề đặc biệt trong các chương trình hành động của UNESCO
- Chủ đề giới tính
- Chủ đề thanh niên
- Ưu thế của Châu Phi
- Các nước chậm phát triển
- Văn hoá vì hoà bình
- Đối thoại giữa các nền văn minh

Các chủ đề mang tính nóng hổi mà UNESCO quan tâm:
- Loại bỏ sự đói nghèo, đặc biệt là đối với tình trạng bần cùng hoá.
- Sự đóng góp của công nghệ thông tin và truyền thông đối với lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá và truyền thông và việc xây dựng một xã hội tri thức.

Các lĩnh vực ưu tiên đặc biệt của UNESCO
- Giáo dục cơ bản cho tất cả mọi người
- Nước và hệ thống sinh thái liên hợp
- Ủng hộ vấn đề tính đa dạng văn hoá song song với việc nhấn mạnh đặc biệt vấn đề di sản vật thể và phi vật thể.
- Trao quyền hành động cho con người thông qua hệ thống thu nhận thông tin và kiến thức song song với việc nhấn mạnh về quyền tự do biểu cảm.

Những chủ đề đặc biệt khác được UNESCO quan tâm:
- HIV/AIDS
- Phát triển bền vững
- Dân tộc bản địa
- Các đảo nhỏ
- Sóng thần ở Ấn Độ Dương



 

Chiến lược của UNESCO

Định hướng chiến lược của UNESCO

Chiến lược hành động của UNESCO được thực hiện theo các Chương trình Trung hạn được Đại hội đồng UNESCO phê chuẩn. Các Chương trình Trung hạn này thường kéo dài khoảng 5 năm, được chia thành các Chương trình ngắn hạn gắn với nguồn ngân sách cụ thể.

Chương trình Trung hạn giai đoạn 2002-2007 cùng với Chương trình Ngân sách giai đoạn 2002-2003 gắn với chủ trương cải cách của UNESCO đã được Đại hội đồng 31 của UNESCO thông qua vào tháng 10 và tháng 11 năm 2001 bằng Nghị quyết 31C/Resolution. Chiến lược hướng tới việc thiết lập một cách nhìn mới và cách quan sát mới cho Tổ chức bằng cách gạn lọc lại các chức năng căn bản của UNESCO.

Nhìn tổng quan, đó là một chủ đề lớn liên quan đến vai trò và đóng góp của UNESCO đối với hoà bình và sự phát triển của nhân loại trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, thông qua các hoạt động trên lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá và truyền thông. Theo cách đó, điều này dẫn đến việc cần xác lập mối quan hệ giữa quyền lực của UNESCO với vai trò của tổ chức này trong tiến trình toàn cầu hoá của toàn nhân loại.

Chiến lược kết hợp các chương trình chủ yếu của UNESCO với các mục tiêu chung và định ra một con số nhất định các mục tiêu mang tính chiến lược cho giai đoạn hiện nay. Con số đó được UNESCO đưa ra là 12 vấn đề chiến lược, mỗi vấn đề lớn đó được gắn với những chương trình cụ thể. Theo hướng các mục tiêu chiến lược này, hai chủ đề cốt lõi đã được xây dựng mà về bản chất là phản ánh và xuyên suốt trong tất cả các chương trình hành động cụ thể của UNESCO, đó là: loại bỏ tận gốc sự nghèo đói, đặc biệt là đối với tình trạng bần cùng và: đóng góp của công nghệ thông tin và truyền thông vào sự nghiệp giáo dục, khoa học, văn hoá và thông tin đồng thời xây dựng một xã hội tri thức.

1. Chủ đề hợp nhất của UNESCO

UNESCO đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình và phát triển con người trong thời đại quốc tế hoá thông qua giáo dục, khoa học, văn hoá và truyền thông.

2. Ba chiến lược chính mang tính xuyên suốt của UNESCO

- Phát triển và hỗ trợ các nguyên tắc ,các tiêu chuẩn toàn cầu dựa trên các giá trị được chia sẻ nhằm đáp ứng các thách thức trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá và truyền thông; bảo vệ và củng cố “các thành quả tốt đẹp của cộng đồng”.
- Khuyến khích tính đa dạng thông qua việc thừa nhận sự an toàn của tính đa dạng của nhân quyền.
- Khuyến khích việc trao quyền và thực hành cho một xã hội tri thức thông qua các cơ hội chia sẻ kiến thức.

3. Mười hai mục tiêu chiến lược cụ thể của UNESCO

Về Giáo dục:
1. Đẩy mạnh giáo dục như một quyền căn bản phù hợp với Tuyên bố Nhân quyền;
2. Cải thiện chất lượng giáo dục trong sự đa dạng hoá nội dung và phương pháp giáo dục và đẩy mạnh việc chia sẻ các giá trị trên phạm vi toàn thế giới;
3. Đẩy mạnh việc thử nghiệm, canh tân, phổ biến và chia sẻ các thông tin và đối thoại giữa kinh nghiệm thực tiễn và chính sách trong lĩnh vực giáo dục.

Về Khoa học:
4. Thúc đẩy các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức trong việc phát triển khoa học công nghệ và trong sự chuyển hoá xã hội;
5. Cải thiện các điều kiện an toàn cho con người nhờ vào việc quản lý tốt hơn những thay đổi môi trường và xã hội;
6. Nâng cao các điều kiện tham gia cho mọi người về mặt khoa học, kỹ thuật và nhân văn trên con đường tiến tới một xã hội tri thức.

Về Văn hoá:
7. Đẩy mạnh việc soạn thảo và ứng dụng các công cụ chuẩn mực trong lĩnh vực văn hoá;
8. Bảo đảm an toàn cho tính đa dạng văn hoá và khuyến khích đối thoại giữa các nền văn hoá và các nền văn minh;
9. Tăng cường các mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển, thông qua khả năng xây dựng và chia sẻ tri thức.

Về Thông tin và Truyền thông:
10. Thúc đẩy luồng thông tin tự do đối với các ý tưởng và truy cập thông tin ở phạm vi toàn cầu;
11. Thúc đẩy việc mở rộng sự đa dạng về văn hoá trong các phương tiện thông tin đại chúng và các mạng thông tin quốc tế;
12. Tạo khả năng tiếp nhận tất cả các công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin cộng đồng.




Ngân sách

Tài chính UNESCO được xây dựng từ hai nguồn ngân sách. Một nguồn từ ngân sách thường xuyên thu từ đóng góp tài chính bắt buộc của các nước thành viên. Mức đóng góp của các nước căn cứ tiềm năng kinh tế của mỗi quốc gia. Năm 2000 số lượng các quốc gia thành viên nghèo nhất chỉ phải đóng góp 0,001% ngân sách thường xuyên của UNESCO (có khoảng 40 nước). Mức đóng góp cao hơn một chút (có khoảng vài chục quốc gia) đóng góp 2%. Với mức đóng góp 25% trong tổng ngân sách thường xuyên Nhật Bản trở thành nhà bảo trợ tài chính chủ yếu của UNESCO. Ngân sách Thường xuyên hai năm 2002-2003 của UNESCO là 544 triệu $US, cho giai đoạn 2004-2005 là 610 triệu US$, và những con số này vẫn rất khiêm tốn nếu so sánh với ngân sách thường xuyên của các tổ chức quốc tế khác như UNICEF hoặc UNHCR (cả hai tổ chức này có nguồn ngân sách riêng lớn gấp bốn lần của UNESCO). Nguồn ngân sách thường xuyên được sử dụng để duy trì bộ máy hoạt động của Ban Thư ký UNESCO, phần còn lại dành cho các chương trình hoạt động đã được Đại hội đồng thông qua, gọi là các Chương trình Ngân sách.

Ngoài ra nhiều chương trình hoạt động của UNESCO được triển khai nhờ các nguồn đóng góp ngoài ngân sách (đóng góp không bắt buộc, không thường xuyên, đột xuất) từ các quốc gia hoặc các tổ chức, cá nhân khác hoặc do UNESCO tiến hành vận động để giúp các quốc gia thực hiện các dự án ngoài ngân sách. Nguồn ngân sách này gọi là Ngân sách Không thường xuyên. Các chương trình hoạt động bằng nguồn ngân sách này gọi là các Chương trình Ngoài ngân sách. Đây là một nguồn tài chính đáng kể hàng năm bổ sung vào ngân sách của UNESCO để triển khai các chương trình và dự án ở các quốc gia thành viên. Ngân sách Không thường xuyên của UNESCO trong khoá ngân sách 2002-2003 đạt được là 400 triệu US$.




Các cơ quan lãnh đạo của UNESCO

UNESCO hoạt động theo hệ thống phân quyền như sau: Cao nhất là Đại hội đồng, lãnh đạo Tổ chức giữa các Đại hội đồng là Hội đồng Chấp hành, Ban Thư ký và Tổng Giám đốc là cơ quan triển khai các hoạt động của Tỏ chức và các Uỷ ban Quốc gia UNESCO tại các quốc gia thành viên là đầu mối quan hệ giữa UNESCO với các chính phủ thành viên..

Đại hội đồng là cơ quan quyền lực cao nhất của UNESCO bao gồm tất cả các quốc gia thành viên. Mỗi nước được cử ra 5 đại biểu đại diện cho chính phủ làm thành viên chính thức tại Đại hội đồng. Ngoài ra còn có sự tham gia của các thành viên liên kết và các quan sát viên bao gồm đại diện của các nước không phải là thành viên, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ. Mỗi quốc gia thành viên chỉ có một phiếu bầu, bất kể là quốc gia lớn hay bé, đóng góp tài chính cho UNESCO nhiều hay ít.

Đại hội đồng họp hai năm một lần để đưa ra các quyết sách, phương hướng và đường lối liên quan đến hoạt động của tổ chức. Nhiệm vụ chính của Đại hội đồng là xây dựng các chương trình và ngân sách của UNESCO và bầu ra các thành viên của Hội đồng Chấp hành và bốn năm một lần bầu Tổng Giám đốc UNESCO. Ngôn ngữ làm việc chính thức tại Đại hội đồng là sáu thứ tiếng, đó là tiếng ẢRập, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha.

Hội đồng Chấp hành UNESCO thực chất là một hình thức đảm bảo sự quản lý toàn diện đối với UNESCO. Hội đồng Chấp hành có nhiệm vụ chuẩn bị cho Đại hội đồng và xem xét các quyết sách được đưa ra có đúng đắn hay không. Các chức năng và trách nhiệm của Hội đồng Chấp hành được Công ước của UNESCO quy định và dựa vào các quy tắc do Đại hội đồng phê chuẩn. Hai năm một lần Đại hội đồng lại ấn định những nhiệm vụ đặc biệt cho Hội đồng Chấp hành. Những chức năng khác của Hội đồng Chấp hành có liên quan đến các thoả thuận giữa UNESCO với Liên Hợp Quốc, với các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc, với các tổ chức liên chính phủ khác.

Hội đồng Chấp hành có 58 uỷ viên do Đại hội đồng bầu ra. Việc lựa chọn các uỷ viên Hội đồng Chấp hành có liên quan đến tính đại diện cho các các nền văn hoá đa dạng và cơ cấu theo khu vực địa lý. Để bảo đảm cho cơ cấu Hội đồng Chấp hành có đủ các thành phần đại diện cho các khu vực và các nền văn hoá khác nhau thường cần đến một phương pháp đàm phán khéo léo, nhưng cần thiết phải phản ánh đầy đủ tính chất toàn cầu của một tổ chức liên chính phủ. Hội đồng Chấp hành họp mỗi năm hai kỳ.

Ban Thư ký bao gồm Tổng Giám đốc và bộ máy công chức và nhân viên do Tổng Giám đốc tuyển dụng và bổ nhiệm. Tổng Giám đốc là người chịu trách nhiệm trong việc đưa ra các đề nghị liên quan đến hành động thích hợp để Đại hội động và Hội đồng Chấp hành thông qua, đồng thời là người chịu trách nhiệm dự thảo chương trình và ngân sách hai năm của Tổ chức. Bộ máy của Ban Thư ký có trách nhiệm thi hành các chương trình đã được Đại hội đồng và Hội đồng Chấp hành phê chuẩn. Bộ máy được phân loại theo các cấp bậc công chức chuyên nghiệp và nhân viên phục vụ. Tính đến tháng 7-2005 Ban Thư ký UNESCO có 2.160 người đến từ 170 quốc gia. Trong tình hình UNESCO chủ trương phân quyền bộ máy, hiện nay UNESCO có trên 680 người đang làm việc tại 58 văn phòng chuyên môn tại các khu vực khác nhau trên thế giới.

Tổng giám đốc được Đại hội đồng bầu cho một nhiệm kỳ 4 năm (trước đây nhiệm kỳ Tổng Giám đốc là 6 năm). Tổng Giám đốc đầu tiên của UNESCO là Ngài Julian Huxley, người Anh, lãnh đạo UNESCO từ 1946-1948. Tổng Giám đốc hiện tại của UNESCO được bầu vào năm 1999, là Ngài Koichiro Matsuura, là người Nhật Bản.

Uỷ ban Quốc gia UNESCO là tổ chức duy nhất trong Liên Hợp Quốc có hệ thống Uỷ ban Quốc gia tại các quốc gia thành viên. Uỷ ban Quốc gia là một mắt xích quan trọng nối một xã hội dân sự với Tổ chức UNESCO. Các uỷ ban này có trách nhiệm nắm vững các vấn đề liên quan đến các chương trình của UNESCO và giúp đỡ các quốc gia bằng nhiều sáng kiến như các chương trình đào tạo, học tập, các cuộc vận động nhằm tăng cường kiến thức cho cộng đồng về UNESCO. Các Uỷ ban Quốc gia cũng phát triển hệ thống các đối tác từ các khu vực tư nhân để tranh thủ các kinh nghiệm về kỹ thuật và chuyên môn cũng như tranh thủ tăng thêm nguồn ngân sách.

 

Danh sách các đời Tổng Giám đốc UNESCO
Cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký UNESCO




Các Quốc gia Thành viên và các Thành viên là Quốc gia liên kết

Một số mốc quan trọng về cơ cấu thành viên:

• Năm 1945, 37 nước đã ký vào Công ước UNESCO và sau đó một năm chính phủ của 20 nước nói trên đã phê chuẩn Công ước, do đó 20 nước đó được coi là các nước sáng lập ra UNESCO, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc.
• Đến 1950 UNESCO đã có 59 quốc gia gia nhập thành viên chính thức.
• Năm 1954 Liên Xô gia nhập UNESCO với tư cách là thành viên thứ bảy mươi.
• Từ 1960 đến 1962, nhờ kết quả của quá trình phi thực dân hoá nên đã có thêm 24 quốc gia Châu Phi đã được kết nạp làm thành viên UNESCO.
• Năm 1984 UNESCO mất một thành viên quan trọng là Hoa Kỳ, sau đó một năm là Anh và Singapore rút khỏi UNESCO. Đây là 3 nước có đóng góp tài chính mang tính sống còn đối với hoạt động của UNESCO. Việc rút lui của các nước này gây cho UNESCO nhiều sóng gió về chính trị và tài chính.
• Đầu những năm 1990 sự thay đổi cơ cấu chính trị, địa lý của các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) đã độ ngột làm tăng số lượng thành viên và tính chất thành viên của khu vực Châu Âu. Vị trí trước đây của Cộng hoà Dân chủ Đức nay được sát nhập với vị trí thành viên của Cộng hoà Liên bang Đức. 12 quốc gia thành viên mới tham gia UNESCO, vốn từ Liên Xô cũ và một số nước Đông Âu.
• Từ khi UNESCO ra đời, trong suốt 60 năm qua đã có 10 nước thành viên rút ra khỏi UNESCO. Nhưng sau đó một thời gian một số nước đã quay trở lại UNESCO, ví dụ Nam Phi rút khỏi UNESCO năm 1956, quay lại năm 1994; Anh rút năm 1985, quay lại 1997; Hoa Kỳ rút năm 1984, quay lại 2003.
• Các thành viên UNESCO trong nhiều hoạt động, đặc biệt trong quá trình bầu cử và ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo và cơ quan chuyên môn của UNESCO, được chia thành khu vực gắn liền với các châu lục gắn với quốc gia đó. Như vậy có 5 khu vực quốc gia thành viên là: Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Khu vực Châu Âu, Khu vực các nước Ả-rập, Khu vực Châu Mỹ – La tinh và Khu vực Châu Phi (xếp theo vần chữ cái tiếng Việt).
• Thành viên trẻ nhất của UNESCO là Brunei, tham gia tháng 3-2005.
• Tính đến 2005 UNESCO có 191 quốc gia thành viên và 6 thành viên liên kết.

Danh sách thành viên UNESCO

Quan hệ của UNESCO với các Mạng lưới và các Đối tác

UNESCO hoạt động dựa trên sự hợp nhất giữa giữa những người hoạt động đa dạng trong một cộng đồng phù hợp với cộng đồng quốc tế. Các mạng lưới của UNESCO và các đối tác là hạt nhân của cộng đồng này. Tất cả ăn ý với nhau sẽ hiện thực hoá được các ý tưởng của UNESCO và các giá trị chân chính của thế giới này, ở mức độ địa phương, quốc gia và quốc tế. Ngoài ra UNESCO còn đóng vai trò liên kết trong hệ thống Liên Hợp Quốc và hoạt động gần gũi với hàng loạt các tổ chức quốc gia và khu vực.

• Hiện tại có 192 Uỷ ban Quốc gia UNESCO tại các nước thành viên có cơ cấu từ đại diện của các ngành giáo dục, khoa học, văn hoá và thông tin tại quốc gia sở tại.
• UNESCO có khoảng 100 uỷ ban cố vấn, các uỷ ban quốc tế và các hội đồng liên chính phủ được thành lập nhằm giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt có liên quan đến nhiệm vụ và chức năng của tổ chức.
• Có gần 5.000 Câu lạc bộ UNESCO, Trung tâm UNESCO và các Hội UNESCO ở tại các quốc gia thành viên đang thúc đẩy các ý tưởng và ủng hộ các nỗ lực của UNESCO trong quần chúng nhân dân.
• Có khoảng 7.900 Trường Liên kết có chức năng giúp thanh thiếu niên phát huy thái độ khoan nhượng và hiểu biết quốc tế
• Có 229 tổ chức phi chính phủ (NGOs) duy trì quan hệ thường xuyên với UNESCO.
• Có một nhóm người có uy tín quốc tế với 42 nhân vật kiệt xuất được UNESCO phong tặng danh hiệu là Đại sứ Thiện chí – là những người vận dụng tài năng, địa vị và uy tín của mình để giúp đỡ UNESCO bằng cách hướng sự chú ý của thế giới vào sứ mệnh và các hoạt động của UNESCO.
• Có trên 300 công ty, tổ chức kinh doanh và đối tác mới cam kết thực hiện các mục tiêu liên quan đến phúc lợi xã hội và phát triển con người đang tiến hành hợp tác với UNESCO.
• Có 174 quốc gia thành viên duy trì Phái đoàn Thường trực bên cạnh UNESCO (đóng ở Paris).


Một số nét khác biệt của UNESCO

Do tính chất và phạm vi hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực chuyên môn nên UNESCO đã tạo được một mạng lưới hợp tác rộng rãi với hàng trăm đầu mối quốc gia và quốc tế, bao gồm các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ;

Là tổ chức liên chính phủ duy nhất hoạt động trên cơ sở hệ thống các Uỷ ban Quốc gia tại các nước thành viên;

Là tổ chức chuyên môn duy nhất trong hệ thống Liên Hợp Quốc có mạng lưới quốc gia và quốc tế gồm các tổ chức của quần chúng hoạt động theo tiêu chí của UNESCO mà được mang tên của UNESCO để hoạt động, đó là các Câu lạc bộ UNESCO, các Trung tâm UNESCO và các Hội UNESCO, tập hợp thành Hiệp hội UNESCO ở các quốc gia, Hiệp hội UNESCO khu vực ở các khu vực địa lý và Hiệp hội UNESCO thế giới.




Các giải thưởng của UNESCO

1. Các Giải thưởng của UNESCO

- Giải thưởng Hoà bình mang tên Houphouet-Boigny;
- Các giải thưởng cho lĩnh vực giáo dục (có 5 loại giải thưởng chính, chủ yếu dành cho lĩnh vực xoá mù chữ);
- Các giải thưởng cho lĩnh vực khoa học tự nhiên (có 8 loại giải thưởng chính);
- Các giải thưởng cho lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (có 8 loại giải thưởng chính);
- Các giải thưởng cho lĩnh vực văn hoá (có khoảng 11 loại giải thưởng chính);
- Các giải thưởng cho lĩnh vực thông tin và truyền thông (có khoảng 20 loại giải thưởng chính).

2. Các huy chương và kỷ niệm chương của UNESCO

Từ năm 1966 UNESCO bắt đầu phát hành các loại tem có biểu tượng UNESCO và các đồng tiền mang hình ảnh UNESCO, tập trung chủ yếu với hai nội dung “Di sản thế giới” và “Các ngày kỷ niệm và các Sự kiện lịch sử”. Cho đến nay UNESCO đã phát hành hàng chục mẫu tem cho các nhà chơi tem và 55 loại kỷ niệm chương có nội dung trên. Cố đô Huế của Việt Nam cũng được đưa vào hệ thống kỷ niệm chương của UNESCO.



 

Các ngày kỷ niệm và các chủ đề gắn với thời hiệu

UNESCO rất coi trọng việc phối hợp với các quốc gia thành viên tổ chức hoặc đồng tổ chức các ngày kỷ niệm mang tính quốc gia và kỷ niệm Danh nhân Thế giới thông qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc và củng cố hoà bình. Với nguyên nhân đó từ năm 1956 UNESCO tham gia tích cực vào các hoạt động kỷ niệm các sự kiện lịch sử quốc gia và quốc tế cũng như tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các nhân vật kiệt xuất mang tầm quốc tế. Đối với Việt Nam, năm 1987 Đại hội đồng UNESCO đã thông qua việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là ‘Nhà yêu nước kiệt xuất và Danh nhân Văn hoá thế giới”, sau đó đã khuyến nghị các nước thành viên kỷ niệm 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Mính, phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về Hồ Chủ tịch tại Hà Nội và các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người tại Paris vào tháng 5 năm 1990.

Những ngày Quốc tế được Liên Hợp Quốc công nhận và được UNESCO tổ chức kỷ niệm

21/2 : Ngày Tiếng mẹ đẻ (UNESCO)
8/3: Ngày Quốc tế Phụ nữ
21/3: Ngày Quốc tế chống phân biệt chủng tộc
21/3: Ngày Thơ ca Quốc tế (UNESCO)
22/3: Ngày Quốc tế về Nước
23/3: Ngày Khí tượng Quốc tế (WMO)
24/3: Ngày Quốc tế chống bệnh lao (WHO)
7/4: Ngày Sức khoẻ Thế giới (WHO)
23/4: Ngày Quốc tế về Sách và Quyền tác giả (UNESCO)
3/3: Ngày Mặt Trời (UNEP)
3/5: Ngày Quốc tế về Tự do báo chí (UNESCO)
15/5: Ngày Quốc tế về Gia đình
17/5: Ngày Thông tin viễn thông Thế giới (IUT)
21/5: Ngày Quốc tế Đa dạng văn hoá về Đối thoại và Phát triển (UNESCO)
22/5: Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học
22/5: Ngày Châu Phi
25/5: Tuần lễ về tình đoàn kết giữa các dân tộc thuộc các lãnh thổ phi tự trị
31/5: Ngày Thế giới không hút thuốc lá (WHO)
4/6: Ngày Quốc tế của các nạn nhân là trẻ em bị lạm dụng tình dục
5/6: Ngày Môi trường Thế giới (UNEP)
17/6: Ngày Chống hạn hán Quốc tế
20/6: Ngày Tỵ nạn Thế giới
23/6: Ngày Liên Hợp Quốc về Dịch vụ công cộng
26/6: Ngày Thế giới chống sử dụng ma tuý và buôn lậu
26/6: Ngày Quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn của Liên hợp quốc
1/7: Ngày Hợp tác Quốc tế
11/7: Ngày Dân số Thế giới (UNFPA)
9/8: Ngày Quốc tế của Người bản xứ
12/8: Ngày Quốc tế Thanh thiếu niên
23/8: Ngày Quốc tế Hồi ức về nạn buôn nô lệ và thủ tiêu chế độ nô lệ (UNESCO)
8/9: Ngày Xoá mù chữ Thế giới (UNESCO)
16/9: Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ozon
21/9: Ngày Hoà bình Thế giới
Cuối tuần tháng 9: Ngày Hàng hải Thế giới (IMO)
1/10: Ngày Quốc tế Người cao tuổi
1/ 10: Ngày Nhà ở Thế giới
4-10/10: Tuần lễ Quốc tế về Vũ trụ
5/10: Ngày Nhà giáo Thế giới (UNESCO)
9/10: Ngày Bưu chính Thế giới (UPU)
10/10: Ngày Sức khoẻ Trí tuệ Thế giới
2/10: Ngày Quốc tế về Giảm thiểu thảm hoạ thiên nhiên
16/10: Ngày Lương thực Thế giới (FAO)
17/10: Ngày Thế giới xoá bỏ đói nghèo
24/10: Ngày Liên Hợp Quốc
24/10: Ngày Phát triển Thông tin Thế giới
24-30/10: Tuần lễ Giải trừ quân bị
6/11: Ngày Quốc tế ngăn chặn việc khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang
10/11: Ngày Khoa học Thế giới về Hoà bình và Phát triển (UNESCO)
16/11: Ngày Quốc tế về Lòng khoan dung (UNESCO)
20/11: Ngày Công nghiệp hoá của Châu Phi
20/11: Ngày Trẻ em trên toàn cầu (UNICEF)
21/11: Ngày Truyền hình Thế giới
21/11: Ngày Triết học của UNESCO (UNESCO)
25/11: Ngày Quốc tế Xoá bỏ bạo lực đối với Phụ nữ
29/11: Ngày Quốc tế Đoàn kết dân tộc của nhân dân Palestin
1/12: Ngày Thế giới phòng chống AIDS (WHO)
2/12: Ngày Thế giới Xoá bỏ chế độ nô lệ
3/12: Ngày Quốc tế dành cho Người tàn tật
5/12: Ngày tình nguyện Quốc tế vì sự phát triển kinh tế và xã hội
7/12: Ngày Hàng không dân sự Quốc tế (ICAO)
9/12: Ngày Thế giới chống tham nhũng
10/12: Ngày Nhân quyền
11/12: Ngày Leo núi Thế giới
18/12: Ngày Cư trú Thế giới
19/12: Ngày Hợp tác Nam- Nam của Liên hợp quốc

Các Năm quốc tế được UNESCO đề xướng để Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố

2002: Năm Liên Hợp quốc về Di sản Văn hoá
2002: Năm Quốc tế về Du lịch Sinh thái
2002: Năm Quốc tế về Núi
2003: Năm Quốc tế về Nước sạch
2004: Năm Quốc tế tưởng niệm về cuộc đấu tranh chống lại chế độ chiếm hữu nô lệ
2004: Năm Quốc tế về Cây lúa
2005: Năm Quốc tế về Vi tín dụng
2005: Năm Quốc tế về Thể thao và Giáo dục thể chất
2005: Năm Quốc tế về Vật lý
2006: Năm Quốc tế về Sa mạc và Sa mạc hoá
2008: Năm Quốc tế về Hành tinh Quả đất
2008: Năm Quốc tế về Khoai tây

Các Thập kỷ quốc tế do UNESCO đề xướng để Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố

1993-2002: Thập kỷ Châu Á - Thái Bình Dương với người tàn tật
1993-2002: Thập kỷ phát triển công nghiệp lần thứ Hai ở Châu Phi
1993-2003: Thập kỷ Đấu tranh chống Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và phân biệt chủng tộc lần thứ Ba.
1994-2004: Thập kỷ Quốc tế về các dân tộc bản địa
1995-2004: Thập kỷ Liên Hợp quốc về Giáo dục Nhân quyền
1997-2006: Thập kỷ Liên Hợp Quốc lần thứ Nhất về loại bỏ sự đói nghèo
2001-2010: Thập kỷ về chống bênh sốt rét, đặc biệt là cho khu vực Châu Phi
2001-2010: Thập kỷ Quốc tế lần thứ Hai về loại bỏ Chủ nghĩa thực dân
2001-2010: Thập kỷ Quốc tế Văn hoá vì Hoà bình và phi bạo lực đối với trẻ em trên toàn thế giới.
2003-2012: Thập kỷ Liên Hợp Quốc về xoá mù chữ
2005-2014: Thập kỷ Liên Hợp Quốc về Giáo dục cho một sự Phát triển bền vững
2005-2014: Thập kỷ Quốc tế Hành động “Nước vì Cuộc sống”
2005-2014: Thập kỷ Quốc tế lần thứ Hai về các dân tộc bản địa.

Các hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập UNESCO

UNESCO ra đời vào ngày 16-11-1945 trong bối cảnh “thế giới vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh tàn bạo nhất” và bắt nguồn từ nguyện vọng của các quốc gia mong muốn được khôi phục và phát triển “trong một tinh thần đoàn kết trí tuệ và tinh thần”.

Đó chính là mối quan tâm, là mong mỏi và là tài sản chung của tất cả chúng ta. Đó cũng là những gì đã được thử thách trong suốt 6 thập niên với tình hình đầy biến động và phức tạp của thế giới, mà ngày thành lập tổ chức các nước thành viên không thể nào lường nổi.

Tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Tổ chức, UNESCO không quá cố gắng để tạo nên các hoạt động đi kèm nhưng nhân sự kiện này UNESCO sẽ làm sống lại những năng lực tinh thần mà những thành viên sáng lập đã gửi gắm vào tổ chức quốc tế này. Điều này có nghĩa là UNESCO sẽ nhen nhóm lại ý nghĩa của tầm nhìn và kỳ vọng của UNESCO với cách nhìn hướng về tương lai.

Để tiến tới sự kiện này UNESCO đã chọn ra 60 chủ đề gắn liền với thời gian là 60 tuần tính từ ngày 5-9-2005 đến ngày 4-11-2006, là mốc đánh dấu ngày Công ước Quốc tế về UNESCO bắt đầu có hiệu lực cách đây tròn 60 năm.




UNESCO - Một nhịp cầu nối tương lai


Ông Nguyễn Xuân Thắng
, Phó Chủ tịch&Tổng Thư ký Hiệp hội CLB UNESCO Việt Nam,
Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Thế giới, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay


Ngay sau khi kết thúc Thế chiến II, Liên Hợp Quốc ra đời (1945) đã kéo theo việc hình thành một hệ thống các tổ chức quốc tế với mục đích nhằm giải quyết các vấn đề hậu chiến và chuẩn bị cho những bước đi có tính toàn cầu, lâu dài với một phương thức hết sức mới mẻ lúc bấy giờ, đó là hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề chung, liên quan đến lợi ích của mọi quốc gia: Hoà bình, an ninh và phát triển. Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng ra đời trong bối cảnh lịch sử đó, với một phương châm hành động là: thông qua hợp tác trên các lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền của mình góp phần vào việc phát triển và tăng cường sự giao tiếp giữa các dân tộc nhằm tạo nên sự đoàn kết trí tuệ với mục tiêu cuối cùng là “duy trì hoà bình, an ninh thế giới, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các dân tộc“.

Với lịch sử phát triển 60 năm, hiện nay UNESCO đã được hầu hết mọi quốc gia trên thế giới hưởng ứng và tham gia, uy tín và vai trò của UNESCO ngày càng được nâng cao. Tại diễn đàn đa phương này các nước đã đạt được sự thống nhất trên rất nhiều vấn đề cơ bản, quan trọng, liên quan đến chiến lược phát triển quốc gia, trong đó chiến lược phát triển văn hoá và tri thức được công nhận tai UNESCO như một chiếc chìa khoá để các quốc gia bước vào tương lai. UNESCO là một tổ chức liên chính phủ, hoạt động theo nguyên tắc nhất trí cao, vì vậy UNESCO không những chỉ đưa ra những ý tưởng mà còn là nơi có khả năng đạt được những giải pháp phối hợp hành động có hiệu lực mang tính quốc tế. Cũng chính nhờ vậy nội dung và phương pháp hành động mà UNESCO đề ra không những đáp ứng được đòi hỏi của mỗi quốc gia thành viên mà còn mang tính giải pháp toàn cầu. Những chiến lược mang tính phối hợp quốc tế và khu vực trên lĩnh vực giáo dục, văn hoá, khoa học xã hội và nhân văn, những thành tựu to lớn trong các chương trình phối hợp nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ trên phạm vi quốc tế đã làm cho UNESCO xứng đáng được tôn vinh là “Lâu đài Trí tuệ và Văn hoá của nhân loại”. Bằng biện pháp hợp tác có hiệu quả giúp các quốc gia đạt được những chính sách phát triển hài hòa, cân đối, đặc biệt việc ưu tiên giúp đỡ các nước nghèo trong việc xây dựng chiến lược phát triển quốc gia UNESCO hôm nay thực sự đã trở thành một trong những tổ chức quốc tế được coi là có uy tín nhất và được mọi người hướng đến nhiều nhất.

Một trong những vấn để nóng hổi được nhiều quốc gia quan tâm là cuộc đấu tranh bảo tồn văn hoá dân tộc diễn ra trong nhiều năm nay tại diễn đàn UNESCO. UNESCO là nơi lần đầu tiên đưa ra khái niệm ”Bản sắc văn hoá”. Nó gắn liền với cuộc đấu tranh bắt đầu từ thập kỷ 70 đến nay tại UNESCO của các dân tộc mới giành được độc lập và của các lực lượng tiến bộ thế trên giới chống lại sự nô dịch về văn hoá của chủ nghĩa đế quốc. Tại UNESCO các nước đã đi đến một sự thống nhất về tính cấp bách của vấn đề bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc và xem đó là nhịp cầu nối với tương lai, đồng thời là con đường duy nhất để bảo đảm sự độc lập về mặt văn hoá, tinh thần của các quốc gia trước cuộc tấn công của chủ nghĩa đế quốc và là giải pháp tốt nhất đề kháng lại những tác động tiêu cực của nền văn hoá công nghiệp đang có nguy cơ san bằng và làm đồng nhất các giá trị văn hoá, làm suy yếu sức sống và khả năng sáng tạo của các dân tộc. UNESCO cho rằng : ”Lịch sử đã chứng minh sự vi phạm bản sắc văn hoá dân tộc thường là nguyên nhân của mọi sự tranh chấp, xung đột. Vì vậy, đấu tranh bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc gắn liền với đấu tranh giải phóng dân tộc. Văn hoá gắn liền với dân tộc đồng thời văn hoá cũng gắn liền với phát triển và tương lai." Thông qua luận điểm này, UNESCO đã đưa ra một nhận định tổng quan về vai trò của văn hoá như sau : ”Bất kỳ một chiến lược phát triển nào cũng đều phải tính đến nhân tố văn hoá để bảo đảm một sự phát triển cân đối”.

Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức tham gia UNESCO ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1976). Kế thừa những thắng lợi đã đạt được trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, với uy tín quốc tế của mình, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào các hoạt động của UNESCO. Ngược lại, Việt Nam cũng đã học tập được nhiều kinh nghiệm quý của UNESCO, đặc biệt trên lĩnh vực hoạch định chính sách và chiến lược phát triển quốc gia, đồng thời cũng đã tranh thủ một cách có hiệu quả viện trợ và giúp đỡ của UNESCO về trí tuệ cũng như vật chất cho sự nghiệp phát triển đất nước. Việt Nam là một trong những thành viên ủng hộ và đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc vì mục đích phát triển và tham gia một cách tích cực vào cuộc vận động Thập kỷ Phát triển Văn hoá do UNESCO phát động trong những năm 1988-1997 vừa qua.

Bên cạnh phương thức hoạt động hợp tác trên tầm cỡ nhà nước, ngay từ khi mới thành lập UNESCO đã nhận thức rằng đối với lĩnh vực hoạt động và hợp tác về văn hoá và tri thức cần phải có được sự hậu thuẫn và tham gia rộng lớn của quần chúng nhân dân, đặc biệt là của trí thức tại các nước thành viên. Bởi vậy, ngay từ năm 1947 một phong trào hoạt động quần chúng tại các nước nhằm ủng hộ cho lý tưởng và nội dung hoạt động của UNESCO đã được hình thành dưới hình thức các “Hội ái hữu UNESCO”, ”Trung tâm UNESCO”, trong đó hình thức ”Câu lạc bộ UNESCO” là phổ biến. Khởi đầu ở châu á, phong trào phát triển mạnh nhất nhất tại Nhật Bản. Dưới sự bảo trợ của UNESCO và Chính phủ các nước thành viên dần dần đã hình thành một hệ thống các tổ chức phi chính phủ hoạt động theo lý tưởng, tôn chỉ và mục tiêu của UNESCO - gọi là ”Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO” ở các quốc gia. Các hội này phối hợp và thống nhất hành động trong mối liên kết của từng khu vực trên thế giới với danh nghĩa Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Khu vực và Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Thế giới. Ngay sau khi ra đời (1993), Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO khu vực Châu á - Thái Bình Dương và Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Thế giới.

Cũng giống như hệ thống Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO tại các nước, các khu vực và thế giới, Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam là nơi tập hợp trí tuệ rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức và thanh niên, ”không phân biệt giới tính, tín ngưỡng, tuổi tác, nghề nghiệp, hoạt động theo Tôn chỉ, Mục đích và Lý tưởng cao cả của UNESCO cho sự nghiệp phát triển văn hoá và nâng cao dân trí của nhân dân vì mục đích xây dựng và phát triển đất nước” (trích Điều lệ của Hiệp hội Câu lạc bộ Unesco Việt Nam). Tuy ra đời muộn hơn so với ở các nước nhưng năm năm qua Hiệp hội đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã phát triển gần 100 Câu lạc bộ UNESCO, Trung tâm UNESCO và Hội UNESCO trong cả nước, trở thành một trong những Hiệp hội lớn hoạt động sôi nổi ở Châu á, kết nạp hàng nghìn hội viên với đủ mọi nghề nghiệp và thành phần xã hội, thống nhất hành động theo Điều lệ của Hiệp hội và đang trở thành một lực lượng xã hội có uy tín, hướng toàn bộ hoạt động của mình vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình và xây dựng đất nước. Hiệp hội cũng là nơi chuyển tải những tư tưởng tiến bộ của UNESCO tới quần chúng nhân dân, đồng thời cũng là cánh tay đắc lực của Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với UNESCO.

Khác với đa số các tổ chức xã hội khác hiện có ở nước ta, hầu hết là các tổ chức nghề nghiệp, Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam là một tổ chức đa dạng về nghề nghiệp và thành phần xã hội, là một nơi tập hợp đoàn kết trí tuệ, là nơi vận động sự đóng góp kinh nghiệm, sức lực và trí tuệ của quần chúng nhân dân một cách ”tự nguyện” cho sự nghiệp chung, là nơi truyền bá cho nhân dân tư tưởng khoan dung của UNESCO, là một đầu mối để đoàn kết cộng đồng và hiểu biết quốc tế, đồng thời là trường học rèn đạo lý cống hiến ”phi vụ lợi” cho đất nước và cho tương lai.

UNESCO - một tổ chức quốc tế có uy tín và tiến bộ của thời đại, là nơi gửi gắm niềm tin và khát vọng của nhân loại, là nhịp cầu hướng về tương lai.

UNESCO - chính là nơi đã xếp hạng Huế, Hạ Long, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha của chúng ta thành “Di sản văn hoá của” thế giới, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ kính yêu của nhân Việt Nam được tôn vinh là “Nhà yêu nước vĩ đại và Danh nhân Văn hoá” của nhân loại.