Làng Xuân Ổ A (tục gọi là Làng Ó) thuộc phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh là một làng quan họ gốc. Ở đây hằng tuần các liền anh liền chị thường tổ tổ chức hát quan họ ở Nhà Văn hoá Làng.
Tôi và anh Vân Chủ nhiệm Câu lạc bộ đến thì cổng Nhà Văn hoá đã mở. Đèn điện sáng choang. Một dãy sáu cái quạt trần quay vù vù. Mấy chục người: già, trẻ, nam, nữ có cả. Họ đã tề tựu đông đủ, chuyện trò cười nói râm ran. Hầu hết số hội viện tham gia Trung tâm UNESCO Văn hoá Quan họ ở đây đều làm ruộng. Tiếng là thành phố nhưng ở Xuân Ổ, nhà nào cũng làm ruộng. Rảnh rỗi thì buôn bán lặt vặt ở chợ làng. Ngay lúc này, đã hơn tám giờ tối, nhưng còn một số người vẫn chưa kịp ăn cơm. Đến giờ hẹn nên phải ra Nhà Văn hoá kẻo mọi người chờ.
Tục lệ quan họ là phải hát có đôi. Thiếu người này thì người kia cũng không thể hát một mình. Chị Dung, chị Bắc nói vui, ra đến Nhà Văn hoá, chân chúng em vẫn còn lấm bùn chưa kịp rửa. Chốc nữa về rửa một thể.
Ồn ào, vui vẻ một lúc; buổi sinh hoạt quan họ được tiến hành một cách tự động, tự giác. Không cần nhắc nhở. Đôi nào đôi ấy tự tập hát với nhau, tự uốn nắn cho nhau, cho đồng hơi, đồng giọng. Rất nghiêm túc! Tuy đông người nhưng tuyệt nhiên không có những lời nói hành vi suồng sã, xô bồ. Tôi nghĩ bụng, người ta hay nói ‘Văn hoá quan họ’ là thế này đây!
Là một làng quan họ gốc, cho nên ai cũng thấy tự hào được tiếp nối truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để lại. Ai cũng mong muốn được giữ gìn và phát huy cái hay cái đẹp của Văn hoá quan họ. Nhiều hội viên là cháu chắt nhiều đời của những người nổi tiếng sành chơi quan họ. Đời các cụ chơi quan họ. Đời ông bà chơi quan họ. Đời bố mẹ chơi quan họ. Và đến bây giờ là đời các cụ “liền anh”, “liền chị’ chơi quan họ. Một số người còn có cả con trai, con dâu, con gái, cháu nội, cháu ngoại cùng tập hát quan họ ở Câu lạc bộ này. Tuy ở Bắc Ninh có nhiều làng quan họ, mỗi làng có một lối hát khác nhau, nhưng về cơ bản là phải hát đúng luồng. Một nét rất văn hoá trong quan họ là không Làng nào chê Làng nào hát sai. Đều hay cả!
Đêm nay, các liền chị cao tuổi làng Xuân Ổ A đang hướng dẫn lớp trẻ hát bài “Dọn quán bán hàng” theo lối hát của làng Xuân Ổ từ xưa để lại.
Hằng tháng đều tổ chức các cuộc giao lưu quan họ giữa các làng trong vùng vào những ngày mồng ba, mồng bảy, mười ba, mười bảy để tránh các đám cưới hỏi. Luân phiên nhau đứng ra đăng cai, gọi là quan họ sở tại. Quan họ sở tại phải lo thuê - mượn hội trường. Nay thì làng nào cũng có Nhà Văn hoá, thường là có sẵn loa, đài, ánh sáng. Ban tổ chức báo cáo và mời chi bộ, Trưởng thôn, Mặt trận làng, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đến dự, giao lưu. Người dân vùng quan họ nói chung rất thích được hát quan họ, cho nên họ tích cực luyện tập lắm. Khi đã hát cho nhiều người nghe, nhiều người xem thì phải ăn mặc theo lối quan họ cổ truyền.
Trang phục quan họ các cá nhân phải tự mua sắm. Nam thì nhất thiết phải có quần trắng, áo the, khăn xếp, ô đen, giầy đen. Nữ thì có áo tứ thân mớ ba, mớ bẩy, thắt lưng hoa lý, hoa đào, yếm đào, váy đen hoặc xanh thẫm, khăn thâm, vấn hồng, nón ba tầm (nón thúng quai thao). Nam nữ đều thích có dịp được trang điểm má phấn, môi son. Các bạn nữ trẻ lại còn mua thêm cặp lông mi giả, khi liếc đi liếc lại, đôi con mắt lóng lánh lại thêm phần long lanh. Mỗi người sắm sửa cho đủ bộ như vậy cũng gần bạc triệu. Tốn kém lắm! Chẳng ai bắt buộc, nhưng cũng chẳng ai ngăn cấm được họ rủ nhau đi sắm sửa một cách đầy hồ hởi. Vừa đi vừa hát vang trời.
Tháng đôi lần đi hát giao lưu. Thông thường là hát hết buổi sáng. Nghỉ ăn cơm quan họ do quan họ sở tại liệu lo. Ai ăn thì tự nguyện đóng góp vào mười lăm hoặc hai mươi nghìn đồng để ban hậu cần mua lương thực thực phẩm và thuê loa đài, nhạc công, nhạc cụ.
Nếu đi hát mừng các gia đình hội viên khi có việc vui như cưới hỏi, nhà mới thì không bao giờ lấy tiền. Mời ăn cỗ thì ăn.
Vùng Kinh Bắc có 49 làng quan họ thì ở Bắc Ninh có 44 làng. Có đến 38 làng có tục kết chạ với làng quan họ bạn. Nhưng riêng làng Xuân Ổ lại không kết chạ với làng nào. Nghe anh Vân kể chuyện, từ xưa đến nay, cứ đến ngày mùng bốn và mùng năm Tết là ngày Hội Ó. Các bạn quan họ khắp nơi đổ về Làng Xuân Ổ dự hội và hát quan họ theo lời mời từ trong năm của các gia đình chơi quan họ suốt mấy ngày liền.
Ngày xưa thế và ngày nay vẫn thế. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn vài mâm cỗ để tiếp quan họ bạn đến chơi hội và thăm gia đình. Dĩ nhiên là tuỳ tâm và tuỳ túi tiền của mỗi gia đình mà làm cỗ to, cỗ nhỏ. “Giàu làm kép, hẹp làm đơn”. Cỗ to, cỗ nhỏ không thành vấn đề, miễn là quan họ vui với nhau, giữ được cái tình, cái nghĩa với nhau. Tục lệ này đã lưu giữ ở đây hàng trăm năm rồi. Đến ngày khác, hội làng khác các liền anh liền chị quan họ Xuân Ổ lại xúng xính quần áo là lượt đi trẩy hội xuân và đi hát hội cho đến hết giêng hai. Đấy cũng là thú chơi của người quan họ.
Có thể nói, những người đang tham gia sinh hoạt ở trung tâm UNESCO Văn hoá Quan họ là những người đã xác định cho mình là:
Tự nguyện (vào hội)
Tự giác (tập luyện)
Tự túc (mọi khoản chi)
Nhưng được cái là: Tự hào! Rất tự hào!./.
Nguyễn Thiết Hồng