Lần theo truyền thuyết ấy chúng tôi tìm về Lễ hội tung Còn miền Tây Bắc của Tổ quốc. Gần đến ngày Tết, các nam thanh nữ tú dân tộc Thái ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai… lại thi nhau thêu Còn, chuẩn bị tre (vầu) làm cột tung Còn. Ai cũng muốn có quả Còn đẹp nhất để đi tung trong ngày hội. Ngày hội tung Còn diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt từ sáng Mồng Một Tết. Con trai, con gái lũ lượt từng đoàn trong những bộ quần áo sặc sỡ như rừng xuân đơm hoa khoe lá.
Sân tung Còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn cột Còn, ngọn cột buộc một “vòng Còn” hình tròn (khung Cong) đường kính 40cm, các cô gái trang trí khung Còn, một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng).
Các quả Còn với nhiều múi vải màu xanh, đỏ hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả Còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay.
Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, thầy mo dâng hai quả Còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần nghi lễ, thầy mo cầm hai quả Còn đã được “ban phép” tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi ném Còn năm đó. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây Còn, tung quả Còn lọt qua vòng Còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.
Với người Việt cổ xưa, trò chơi này thường dành cho giới nữ, con nhà quý phái, xưa kia là các mỵ nương, con gái Lạc hầu, Lạc tướng. Đối với các dân tộc Mường, Tày, H’mông, Thái... tung Còn là trò tín ngưỡng hấp dẫn nhất của trai gái trong dịp hội xuân. Quả Còn tung lên mang ý nghĩa tượng trưng cho mệnh Mường bay lên rũ sạch chuyện buồn, việc dở, ốm đau đói rét của trần gian, để mọi người ấm no, hạnh phúc.
Các thiếu nữ tung Còn đứng về hai phía sân đối diện nhau để lần lượt thi ném quả Còn cho lọt qua chiếc vòng tre trên đỉnh ngọn cột cờ. Đám con gái mê nhất khi được tung Còn cho đám con trai. Các cô sơn nữ cầm rua dài nhất của quả Còn, đưa tay văng vọt lên. Quả Còn vút qua ngọn cột tre, những dây tua ngũ sắc cũng lướt xòe ra trông rất đẹp. Họ cảm nhận hương vị ngọt ngào của tình yêu qua hình ảnh quả Còn bay đi bay lại. Trái Còn văng đi, trái Còn đánh lại, những con mắt ngước theo đà của quả Còn và rất nhiều con tim hồi hộp khi trái Còn từ từ sắp lướt qua vòng tròn. Các chàng trai cô gái Thái vừa ném Còn, vừa ca hát những bài hát truyền thống của dân tộc mình:
...“Mấy khi thấy mùa xuân (hoa) ban đua nở,
Mấy khi thấy (quan) tạo lớn cúng Mường,
Phìa Mường (ngang chánh tổng) cúng bản,
Người người tung Còn lên rũ sầu,
Ai ai đều tung Còn lên rũ khỏi ốm đau...”.
Cuộc chơi thường kéo dài suốt mấy ngày hội và khi bóng chiều xuống dần, họ lại kéo nhau về nhà già làng, trưởng bản cùng nhau quây quần bên bếp lửa rực hồng, nâng chén rượu nồng chúc nhau năm mới khỏe mạnh, hạnh phúc, nhà nhà đầy thóc, đầy ngô, lợn gà đầy chuồng.
Trước khi khép hội, thầy mo rạch quả Còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người ta quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm - dương).
Qua hội tung Còn đầu xuân, tình yêu giữa chàng trai và cô gái Thái như được bền chặt, tha thiết hơn. Còn các cụ già cũng như thấy mình trẻ ra… Hội ném Còn đến nay vẫn là thú vui đặc trưng của cộng đồng hơn 1,4 triệu người Thái Tây Bắc nước ta, vẫn được tôn vinh tổ chức không chỉ dịp cúng bản, xên mường, Tết đến mà còn được tổ chức trong các ngày hội lớn của dân tộc, của đất nước./.