Trong khi chiếc đồng hồ đang vô thức đếm ngược từng ngày, nhiều công trình kỷ niệm cũng đang chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành đúng dịp Đại lễ. Khắp nơi trên cả nước đã và đang diễn ra những hoạt động kỷ niệm Đại lễ, nhưng sôi nổi nhất vẫn là các hoạt động ở Thủ đô. Cho đến thời điểm này, một số công trình đã vinh dự gắn lên những tấm biển "Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" như: Thư viện Hà Nội; trụ sở của Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam; Trung tâm Phát thanh quốc gia; tu bổ di tích đền Cơ Xá; cầu Vĩnh Tuy; Cung thi đấu thể thao trong nhà...
Không chỉ mang ý nghĩa kỷ niệm, khi đi vào hoạt động, các công trình đều góp phần giải quyết những nhu cầu khác nhau của đời sống dân sinh nên được nhân dân mong đợi. Tuy nhiên, nhiều công trình xây dựng vẫn đang ngổn ngang trong nỗi băn khoăn của người dân như Bảo tàng Hà Nội. Công trình này được "khởi động" từ những năm đầu thập kỷ này, trải qua nhiều phức tạp, mãi đến gần giữa năm 2008, Bảo tàng Hà Nội mới chính thức được khởi công. Từ ngày đặt viên gạch đầu tiên đến lúc dự kiến khánh thành chỉ có 900 ngày. Lãnh đạo thành phố Hà Nội khi đến thị sát tiến độ thi công đã khẳng định: Bằng mọi giá các đơn vị thi công phải hoàn thiện phần xây dựng và trưng bày để Bảo tàng ra mắt công chúng đúng dịp Đại lễ. Quyết tâm của thành phố khiến nhân dân mừng lo lẫn lộn.
Bảo tàng Hà Nội là một dự án khổng lồ, gồm nhiều hạng mục, trong đó, diện tích trưng bày lên đến 30.000 mét vuông, nội dung phần trưng bày sẽ thể hiện lịch sử tự nhiên, xã hội, các phong tục, tập quán, làng nghề, phố nghề... của Hà Nội. Dự án tiêu tốn đến mấy nghìn tỷ đồng của nhân dân. Câu hỏi đặt ra là: Một công trình lớn như thế được thi công quá gấp gáp liệu chất lượng có bị ảnh hưởng? Ngoài ra, người dân còn băn khoăn khi nhiều công trình khác cũng đang gặp những vướng mắc, đến nay, chỉ có 8/34 công trình kỷ niệm được hoàn thành. Điệp khúc "đẩy nhanh tiến độ" hẳn sẽ được lặp lại nhiều lần nữa trên những công trường thi công.
Về nguyên nhân tình trạng chậm tiến độ, ông Lê Quang Nhuệ, Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội từng khẳng định: Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Đó là do các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ, chức trách còn thiếu quyết liệt, chưa giải quyết dứt điểm các công việc thuộc thẩm quyền đôn đốc, xử lý các vi phạm của nhà thầu. Thực tế những lo lắng của người dân không phải không có cơ sở khi những năm qua, không hiếm công trình chạy theo tiến độ để rồi chất lượng bị ảnh hưởng ít nhiều. Thậm chí, trong số này có cả những công trình kỷ niệm lớn bị xuống cấp do chạy theo tiến độ và bị rút ruột công trình như tượng đài Chiến thắng Điện Biên. Chất lượng công trình này đến giờ vẫn là nỗi đau của nhiều người khi nhắc đến địa danh Điện Biên Phủ lịch sử.
1000 năm trước, khi dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên thành Thăng Long, Thái Tổ Lý Công Uẩn đã nói rõ mục đích của “thiên đô” là vì lợi ích của con cháu muôn đời sau. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thế hệ hôm nay vẫn tưởng nhớ việc làm của tổ tiên. Những công trình đang được xây dựng trong dịp Đại lễ để tri ân với tổ tiên, cũng sẽ trở thành một phần lịch sử của nước nhà. Hôm nay chúng ta nói về người xưa, chỉ ít năm nữa, thế hệ tương lai sẽ nói về việc chúng ta làm hôm nay, nhất là dịp trọng đại này. Chất lượng những công trình xây dựng kỷ niệm Đại lễ, hẳn sẽ là một nội dung quan trọng của những phán xét hậu thế đưa ra. Xây dựng những công trình kỷ niệm Đại lễ, vì thế, mang trách nhiệm hết sức nặng nề.
Cuối năm 2009, thành phố Hà Nội đã đưa ra khỏi danh sách bảy công trình thuộc diện trọng điểm buộc phải “lỗi hẹn” với dịp kỷ niệm 1000 năm như: đường vành đai II đoạn Nhật Tân - Bưởi; đường vành đai I tại các đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu; xây dựng tháp ngàn năm Thăng Long… Gần đây, công trình đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài cũng được thành phố Hà Nội rút khỏi danh sách những công trình kỷ niệm dịp thành phố tròn 1000 tuổi. Khi nghe những thông tin ấy, người dân thủ đô thêm một lần hoài nghi, trăn trở khi nhìn vào những công trình kỷ niệm. Nhưng thực tế, bất cứ công trình nào cũng vậy, thà mắc lỗi với hôm nay, còn hơn có lỗi với mai sau.../.
Dã Liên