Cùng với Vịnh Hạ Long, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) sẽ trở thành một hình tượng mới quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Đó là nhận định bà Katherine Marine Muller - Trưởng đại diện UNESCO Hà Nội tại buổi họp báo quốc tế tại Hà Nội chiều 8/10.
Từ Việt Nam đến với thế giới
Cao nguyên đá Đồng Văn hiện là nơi sinh sống của trên 250 nghìn người, gồm 17 dân tộc anh em. Trong đó đông nhất là dân tộc Mông đến Dao, Giấy, Nùng, Tày, Lô Lô, Bố Y, Hoa, Kinh v.v...Ở cao nguyên Đồng Văn đã hình thành những nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc như: Lễ hội xuống đồng, Lễ cúng cơm mới, Lễ hội múa khèn v.v... Đây cũng là nơi có chợ tình Khau Vai thuộc huyện Mèo Vạc, một năm tổ chức một lần chỉ trong một ngày, một đêm, vẫn còn giữ được nét nguyên sơ, bản địa; đây cũng là nơi có nhiều di tích văn hóa, kiến trúc như khu di tích nhà Vương (Vua Mèo), Phố Cổ, thị trấn Đồng Văn hơn trăm năm tuổi và những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều hang động hàng triệu năm tuổi, những con sông ngầm sâu hàng trăm mét dưới tầng đá vôi. Đáng chú ý trên cao nguyên Đồng Văn có đỉnh Mã Pì Lèng “Đệ nhất hùng gian” thuộc huyện Mèo Vạc. Chỉ cần một lần tới đây, đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng du khách có thể “với tới trời và bồng bềnh trong mây”….
Những yếu tố này đã “thuyết phục” được các nhà khoa học quốc tế. Tại phiên họp ngày 3/10/2010 của Hội nghị các công viên địa chất châu Âu lần thứ 9 tại Hy Lạp, mạng lưới toàn cầu các công viên địa chất (GNNG) đã chính thức công nhận cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang của Việt Nam trở thành công viên địa chất thế giới. Theo các nhà khoa học quốc tế, cao nguyên đá Đồng Văn là một di sản địa chất và có tầm quan trọng về giáo dục cũng như vẻ đẹp khác lạ. Ngoài ra, cao nguyên đá Đồng Văn cũng đáp ứng các tiêu chí: có di sản địa chất đặc biệt có tầm quan trọng quốc tế, ranh giới được xác định rõ ràng và có khả năng phát triển kinh tế bền vững; phong cảnh ngoạn mục, thu hút khách du lịch thông qua việc giúp họ nâng cao hiểu biết về lịch sử trái đất và nguồn tài nguyên của nó.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tiếp sau việc công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa Thế giới, trong những ngày Đại lễ, việc công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang được gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO là một tin vui mới đối với Việt nam, trong đó có đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Những đánh giá của UNESCO
Theo đánh giá của bà Katherine Marine Muller, trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, việc Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành thành viên mới của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, là một hình thức công nhận tương đối mới của UNESCO đối với cảnh quan thiên nhiên. Sự công nhận này sẽ mở ra những cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Hà Giang, một tỉnh nghèo vùng miền núi phía Bắc của Việt Nam, đặc biệt qua nguồn du lịch. Theo bà Katherine Marine Muller “Trước đây người dân tộc Hà Giang chỉ biết sống với đá, chỉ có đá. Với sự công nhận này, các bạn có thể biến đá thành nguồn thu nhập chính cho người dân. Với kinh nghiệm của tôi thì Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ thành công, sẽ tạo được dấu ấn như Hoàng Thành Thăng Long”.
“Việc công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ mở ra những cơ hội nghiên cứu các loại hình địa chất mới. Cùng với vịnh Hạ Long, công viên địa chất Đồng Văn sẽ trở thành một hình ảnh quảng bá mới của Việt Nam”.Bà Katherine Muller nói.
Ý thức được những cơ hội mới, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cho biết trước mắt tỉnh sẽ triển khai nhiều kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị của công viên địa chất này. Dự kiến, quy hoạch tổng thể Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ được hoàn tất trước ngày 30/6/2011. Sau đó tỉnh Hà Giang sẽ tiến hành quảng bá hình ảnh cao nguyên đá Đồng Văn đến với bạn bè quốc tế./.
Lê Vũ Nhật Quang