Trên đời này có rất nhiều thứ giống như tên gọi của của nó. Nhưng cũng có nhiều thứ không hẳn tên gọi thế nào là nội dung như thế. Tên gọi thì cuối cùng cũng chỉ là tên gọi. Quan trọng là đằng sau cái tên đó là ai và có gì xứng đáng cho đời, cho xã hội. Người tên là Hoa chắc gì đã đẹp, tên là Tuyết chắc gì đã nõn nà. Cứ nê mình là Hoa là Tuyết cứ đòi thiên hạ phải khen mình là trắng là xinh thì họa chỉ có người điên.
Nhân câu chuyện của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam bố cáo bằng văn bản đi khắp cả nước (48/LĐVTCTVN-BCH , do ông Hoàng Vĩnh Giang ký ngày 19/5/2017) rằng họ là tổ chức “duy nhất và chính thống của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tư cách pháp nhân trong việc tổ chức thi lên đai, đẳng cho các võ sinh, trợ giáo và võ sư các cấp trong và ngoài nước trong quá trình luyện tập hoặc hành nghề Võ cổ truyền Việt Nam v.v…” và cấm các cơ quan, các tổ chức khác không có chức năng chính thống thì không được quyền này quyền nọ …
Không cần phải bàn cãi, rõ ràng tuyên bố này là hoàn toàn ngớ ngẩn về luật pháp cho dù họ có biện minh trăm lần bằng điều lệ và cả hệ thống quy chế của họ. Vì sao? Vì tôi không tin rằng Chính phủ Việt Nam lại phê chuẩn điều lệ mang tính chất độc quyền cho một tổ chức nhân dân, nhất lại là độc quyền trong lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao – một loại hình phổ cập, lành mạnh và trong sáng nhất trong đời sống loài người.
Vì sao Liên đoàn Võ thuật cổ tuyền VN lại có sự ngộ nhận này? Có lẽ là do cái tên của họ gắn với cụm từ “Võ thuật Cổ truyền Việt Nam” đã làm cho họ ngộ nhận rằng họ là tổ chức “chính thống và duy nhất” có mọi quyền hành chi phối trong lĩnh vực võ thuật cổ truyền. Cho nên họ mới cho rằng toàn dân, các cơ quan, các tổ chức nào “mà không chính thống thì đều không được quyền công nhận về sự tồn tại hoặc sự ra đời mới của bất kỳ môn phái, dòng võ nào…”.
Hèn chi Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN còn gửi công văn để hoạnh họe với cả Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Giáo dục. Chết thật, vậy thì hàng triệu học sinh đang tập thể dục thể thao, bao gồm võ dân tộc, hàng triệu cán bộ an ninh, quân đội hàng ngày đang phải rèn luyện trên thao trường phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà không có “chức năng chính thống” thì từ nay hóa ra là là bất hợp pháp?
Từ đây nếu hiểu công văn đó theo khía cạnh tiêu cực, thì những ai vốn thích tập luyện thể dục thể thao mà muốn tránh bị nhiễu nhương và không muốn bị coi là bất hợp pháp, hoặc không muốn phải nộp lệ phí để được nâng đai, nâng đẳng thì tốt nhất là nên tránh xa các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Để được tự do phóng khoáng rèn luyện sức khỏe, chả lẽ từ nay thanh niên Việt Nam đành tập Karate, tập Judo, tập Vịnh Xuân Quyền, tập Ủ-su hoặc võ Thiếu lâm của Trung Quốc vậy… ? Có phải đó là điều mà Liên đoàn VTCTVN mong muốn? Hay Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam lại sẽ lại một lần nữa đổi tên và sửa đổi điều lệ để đưa Vịnh Xuân quyền, Ủ-su, Thiếu lâm thành “võ thuật cổ truyền Việt Nam” để tiện bề quản lý ?
Mà nếu tôi không nhầm thì công văn 48/LĐVTCTVN-BCH của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam là có hàm ý muốn quản lý tất cả các môn võ thuật ở Việt Nam thật, bởi với số lượng người tập luyện đúng các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam hiện nay không nhiều, có gì mà phải làm to chuyện như được nêu trong công văn của Liên đoàn.
Nếu vậy thì đất nước quả là đã đổi thay theo chiều hướng đáng lo ngại. Đã bước sang thế kỷ 21, bây giờ đến tập thể dục, tập võ mà cũng phải chịu “quyền này, quyền nọ” của một tổ chức “duy nhất và chính thống” nào đó kìm kẹp thì cuộc sống người dân hôm nay có khác gì quay về thời chị Dậu?
Nhân câu chuyện cái tên của Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam tôi lại liên tưởng đến cái tên “Hội bảo tồn di sản văn hóa dân tộc”. Cũng như Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, hội Bảo tồn di sản cũng là con đẻ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Có lẽ cũng vì cái tên gọi này mà Bộ VHTTDL cho rằng chỉ có Hội bảo tồn di sản văn hóa dân tộc là tổ chức “duy nhất và chính thống” được làm công tác bảo tồn văn hóa.
Chẳng thế mà tháng 3/2017 bà thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên mới ký một văn bản tương tự gửi đi khắp nơi cả nước, thông báo rằng các tổ chức như Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phải ngừng các hoạt động liên quan đến bảo tồn di sản. Tư duy tầm cỡ đó nên thảo nào mới có câu chuyện Cục Biểu diễn nghệ thuật của Bộ VHTTDL coi bài Tiến Quân Ca cũng chỉ là một tiết mục biểu diễn nên đã đòi cấp phép cho cả bài Quốc ca.
Quả thật, những sự kiện vừa xảy ra liên quan đến Bộ VHTTDL làm cho công luận hôm nay rất bất an, bởi những việc làm này không báo hiệu về một tương lai tươi sáng về đất nước, mà ngược lại, là một bức tranh ảm đạm.
Người làm công việc văn hóa có dám chắc là cứ ngồi trên chiếc ghế ngành văn hóa là tự khắc có tâm, có tầm và có văn hóa? Có tâm, có tầm, có văn hóa là sự nghiệp tu dưỡng, khiêm tốn học tập cả đời người. Làm văn hóa mà không có tâm, không có tầm và không có văn hóa thì đất nước và nhân dân mất nhờ, xã hội rối loạn.
Ngay cả cái việc đơn giản là hiểu đúng ý nghĩa tên gọi của tổ chức mình, không phải chỉ là biết đọc mà cũng cần phải có cả cái tâm, có tầm và có văn hóa. Đừng nên ăn nhau chỉ vì cái tên mà chết cũng vì cái tên.
(Theo Ngaynay.vn)