Hàng triệu tấn lông gia cầm bị vứt mỗi năm có thể biến thành loại nhựa chịu lực và chống thấm tốt hơn so nhựa truyền thống.
BBC đưa tin, trong một cuộc hội thảo của Hiệp hội Hóa học Mỹ hôm 31/3, các nhà hóa học của Đại học Nebraska tại Mỹ tuyên bố họ đã tìm ra cách chế tạo loại nhựa nhẹ hơn và thân thiện với môi trường hơn những loại nhựa hiện nay.
Hàng triệu tấn lông gà bị thải bỏ mỗi năm. Ảnh: inhabitat.com |
Giống như tóc và ngón tay của người, thành phần chủ yếu của lông gia cầm là chất sừng (keratin). Độ cứng của chất sừng có thể tăng lên, đồng thời khối lượng giảm nếu nó được trộn lẫn với một số hợp chất hóa học.
Ông Yiqi Yang, một chuyên gia hóa học của Đại học Nebraska tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp cho những chiếc lông gà và hỗn hợp gồm nhiều hóa chất - bao gồm cả methyl acrylate - để biến chúng thành nhựa. Các thử nghiệm cho thấy sản phẩm của họ chịu lực và chống thấm nước tốt hơn so với các loại nhựa truyền thống.
Ngoài ra lượng polyethylene và polypropylene – hai hợp chất hữu cơ được tách từ dầu mỏ – cũng biến mất trong thành phần của “nhựa lông gà”.
“Trong công nghệ sản xuất nhựa truyền thống, chất sừng được dùng để làm phụ gia cho polyethylene và polypropylene. Nghiên cứu của chúng tôi biến lông gia cầm thành một thứ có tính chất như polyethylene và polypropylene. Vì thế hỗn hợp ấy không cần polyethylene và polypropylene nữa”, giáo sư Yang nói.
Hàng triệu tấn lông gia cầm được thải ra hàng năm trong hoạt động giết mổ động vật của con người trên khắp thế giới. Nếu không được xử lý chúng sẽ trở thành loại rác nguy hiểm đối với môi trường bởi quá trình phân hủy của chúng diễn ra khá lâu. Các nhà khoa học nhận định việc dùng lông gà để sản xuất nhựa sẽ mang tới lợi ích trên cả phương diện kinh tế lẫn môi trường. Hàng triệu USD có thể được tạo ra từ lông gà, trong khi lượng lông gà bị thải ra môi trường cũng giảm.
Theo Vnexpress