Chúng tôi đi đồnbiên phòng Đăk Nhoong, cách thành phố Kon Tum gần 150 cây số. Đây tuy cách "ngục Tố Hữu" khá xa về đường bộ nhưng lại gần nếu tính theo đường chim bay, nên cũng có thể tạm gọi là: "Đường lên Đăk Sút, Đăk Pao/ Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh" như trong "Tiếng hát đi đày" của nhà thơ Tố Hữu.
Trên đỉnh cao Đăk Nhoong thuộc vùng Tây Trường Sơn của huyện biên giới Đăk Glei,có một đồn biên phòng vững chãi trên đỉnh núi - Đó là đồn biên phòng 669 thuộc Bộ đội biên phòng Kon Tum. Những người lính mang quân hàm xanh trên núi rừng cao nguyên này không chỉ vững tay súng bảo vệ hơn 30km đường biên giới giáp với nước bạn Lào mà trong suốt những năm qua còn mở được gần 50 lớp học xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho trên 1.000 người dân của xã vùng cao Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei.
Trung tá, nguyên đồn trưởng, Bí thư Chi bộ đồn 669 Nguyễn Ngọc Lệ cho biết: Là xã vùng sâu biên giới giáp với nước bạn Lào, Đăk Nhoong có hơn 300 hộ, hơn 1.500 khẩu, 100% là bà con dân tộc Giẻ Triêng sống rải rác ở 7 làng, địa hình chia cắt, đất dốc đồi cao, đời sống của bà con rất khó khăn. Đặc biệt là số người mù chữ chiếm hơn 90% dân số. Trước thực trạng này, với quyết tâm mang ánh sáng văn hóa đến cho người dân, sau nhiều lần bàn bạc với Đảng bộ xã, năm 1993, Chi bộ đồn biên phòng 669 đã ra nghị quyết chuyên đề mang tên "Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho người dân xã Đăk Nhoong" và coi đây là nhiệm vụ chính trị cấp bách và chiến lược ở nơi "thâm sơn cùng cốc" này.
Ngày ấy, trung úy - đảng viên trẻ, Bí thư Chi đoàn Trần Quốc Tuấn được Chi bộ quyết định làm đội trưởng "Đội vận động quần chúng" gồm 12 đoàn viên và đảng viên trẻ đã tốt nghiệp PTTH và biết tiếng Giẻ Triêng đã tham gia lớp tập huấn sư phạm do Phòng giáo dục huyện Đăk Glei mở giúp được giao đặc trách nhiệm vụ: ban đêm dạy học, ban ngày cùng với bà con tổ chức sản xuất và chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân ở các làng.
Trần Quốc Tuấn kể lại với chúng tôi: Lúc được Chi bộ giao nhiệm vụ dạy học em lo quá. Bởi vì thấy bao nhiêu năm trong xã không có người học hết lớp 5, trẻ em học được vài ba tháng là bỏ học đi làm rẫy hết, không ai nói mà bà con nghe đâu. Tuấn đã sống ở nơi biên giới này cũng khá lâu, đã gắn bó với người Giẻ Triêng và thấy thương bà con lắm, nhất là trẻ em. Theo Tuấn, bà con rất tốt bụng, yêu quý bộ đội biên phòng nhưng chỉ vì đã bao đời nay quen sống thế rồi nên bây giờ thay đổi là khó lắm. Với trách nhiệm là đội trưởng, anh rủ thêm Đặng Trung Trực, Nguyễn Văn Long hàng đêm đến nói chuyện với các già làng và một số người có uy tín để tuyên truyền, vận động bà con đăng ký đi học. Một số thì nghe theo lời của đội trưởng Tuấn, mà số người không ủng hộ thì nhiều. Trần Quốc Tuấn phải nói với bà con rằng: "Phải có cái chữ thì bà con mới làm cái lúa có nhiều bông, bắp nhiều hạt, mới biết cách đưa điện sáng về làng; có chữ thì sẽ không nghèo, không còn đói cái bụng nữa..." Người không ủng hộ thì cho rằng: "Ô, cái cán bộ Tuấn nó chỉ nói hay cái miệng thôi. Làm không có được đâu, học cái chữ khó lắm..." Vì thế, không chỉ tuyên truyền mà Tuấn và đồng đội mỗi khi có việc phải ra huyện hay về tỉnh đều đưa một số người là già làng và có uy tín đi theo, dẫn đến thăm một số gia đình dân tộc thiểu số để bà con nghe mà thấy chuyện học hành và cuộc sống mới của một số dân tộc khác như Xơ Đăng, Ba Na trong tỉnh.
Thế là bà con dần dần nghe ra, cho con em đăng ký đi học. Học viên nhỏ nhất là 7 tuổi, cao tuổi nhất là 38. Trần Quốc Tuấn đề nghị với Chi bộ và lãnh đạo đồn để cùng với nhân dân xây dựng 5 phòng học, đóng 5 bảng đen, 100 bộ bàn ghế và các nhu cầu khác phục vụ cho việc khai giảng các lớp học đầu tiên. Tuấn nhớ lại mà tâm trạng vẫn như còn xúc động: "Anh ạ, ngày khai giảng lớp học đầu tiên đúng như ngày hội, và còn hơn cả các lễ hội như: đâm trâu, mừng lúa mới... của làng." Vì đi học đông như thế là một sự kiện chưa từng có ở vùng biên giới quanh năm mờ sương như Đăk Nhoong này. Đảng viên trẻ Nguyễn Văn Minh được phụ trách ở làng Đăk Nớ Pin là làng xa nhất nhớ lại: Ngày khai giảng đầu tiên ấy, hầu hết 12 anh em trong đội đã khóc, khóc vì vui sướng với thành quả những tháng ngày không quản gian khó với những bước chân ngày đêm không mỏi trên những nẻo đường biên giới Đăk Nhoong thân yêu của Tổ quốc. Hầu hết, gia đình nào cũng phấn khởi đưa con em mình đến các lớp học.
Mở được lớp đã khó, việc duy trì và phát triển sĩ số học viên lại khó khăn gấp bội. Thời kỳ đầu, số học viên bỏ học quá nhiều. Có những lớp chỉ còn từ 7 đến 10 người. Vì thế, những chiến sĩ trong đội dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn phải ngày đêm bám dân, bám lớp, thực sự phải 4 cùng: cùng làm, cùng ăn, cùng ở, cùng học với bà con ở tất cả các buôn làng. Đội phải xin Chỉ huy đồn chi viện thêm một số đoàn viên và đảng viên trẻ để bổ sung vào đội công tác. Khi lên rẫy, lúc dựng nhà, trồng lúa, trỉa bắp trên nương; khi chung vui bên ché rượu cần, cán bộ, chiến sĩ trong đội đều hướng vào mục tiêu duy trì việc học hành. Từ đó, bà con hiểu được "cái bụng" tốt của người lính nên đã coi anh em như những người con thân yêu nhất. Riêng đội trưởng Trần Quốc Tuấn thì được gọi bằng cái tên thân quý: "Thầy giáo bản làng A Tuấn". Những học sinh đã bỏ học lại lần lượt rủ nhau đến lớp theo lời của thầy A Tuấn. Tôi hỏi Tuấn: "Việc khó như vậy em không thấy nản lòng". Tuấn nhìn tôi, không nói gì rồi cầm cây đàn ghi ta ngân nga: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai..." Lời hát vọng vang vào vách núi. Tôi cảm thấy ấm lòng. Tuấn nói rằng: "Là đảng viên trẻ lại được chi bộ giao việc khó, em tự hứa với lòng mình để quyết tâm làm cho bằng được."
Cả xã có 7 làng. Làng xa nhất là Đăk Nớ Pin phải mất một ngày đường đi bộ. Mỗi chiến sĩ - thầy giáo được giao nhiệm vụ phụ trách "chủ nhiệm" lớp của 1 làng. Nhưng có lẽ, người vất vả nhất và cũng nhiều kỷ niệm hơn cả là Thiếu úy Đặng Trung Trực, phụ trách làng Roóc Mầm - Roóc Mẹt; Nguyễn Văn Minh phụ trách làng xa nhất Đăk Nớ Pin... Cứ mỗi tháng một lần, các anh từ làng trở về đồn báo cáo diễn biến học tập và tình hình quần chúng nơi mình phụ trách. Có nhiều lúc học sinh bị ốm các anh phải thay nhau cõng vượt rừng, băng suối về đồn điều trị. Lại còn chuyện hai chiến sĩ Nguyễn Văn Long và Nguyễn Quốc Tuấn trên đường đến lớp, khi đi qua rẫy nghe tiếng khóc của trẻ con và tiếng rên của phụ nữ. Các anh vội tìm đến và thấy người mẹ trẻ vừa đẻ xong đứa con trai ở ngoài rừng. Người mẹ đã đuối sức. Hai anh em phải cõng hai mẹ con hơn chục cây số về đồn cứu chữa qua cơn nguy biến - "Thế rồi mẹ tròn còn vuông". Nguyễn Văn Long cười mà ánh mắt chứa nhiều niềm tự hào, hạnh phúc.
Có những chiến sĩ suốt 3 tháng liền, mỗi ngày phải đảm nhận 3 lớp: sáng lớp 1, chiều lớp 3, tối lớp xóa mù chữ. Nhưng rồi bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tấm lòng với bà con, tất cả đã vượt qua. Hơn 10 năm, dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, đội đã mở được 40 lớp với hơn 1.000 người được xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Qua các lần kiểm tra theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo, 100% học viên đạt yêu cầu, trong đó có 20 - 25% đạt khá giỏi hằng năm.
Song song với nhiệm vụ dạy chữ, mang ánh sáng văn hóa về xã Đăk Nhoong, những năm qua, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Kon Tum còn tổ chức xây dựng Đăk Nhoong thành mô hình "điểm sáng vùng biên" với việc đầu tư trên 2,5 tỷ đồng giúp xã định canh định cư cho gần 100% số hộ; làm mới 20km đường liên xã, xây dựng 2 trường học kiên cố tại làng Đăk Ung và cụm Roóc Mẹt - Roóc Mầm, xây dựng 3 công trình nước sạch, 2 đập thủy lợi để bà con trồng lúa nước và trồng trình diễn gần 100ha cây ăn quả các loại. Hôm nay, vùng cao biên giới Đăk Nhoong này đang đổi thịt thay da từng ngày, đời sống của người Giẻ- Triêng nơi đây đã được cải thiện đáng kể và cùng với bộ đội biên phòng đồn 669 dựng xây, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. "Cơm no, áo ấm, cái chữ, cái tình" hôm nay có được như lời của già làng Đăk Lớ Pin nói, là nhờ ơn của đồn biên phòng 669 nhiều lắm, đặc biệt công đầu là việc dạy chữ cho đồng bào, trong đó có phần không nhỏ của người đội trưởng, đảng viên trẻ Trần Quốc Tuấn. Rất nhiều học viên được bộ đội biên phòng xóa mù chữ nay đã thành những cán bộ chủ chốt ở các buôn làng và xã Đăk Nhoong./.
Thanh Hải