Năm 2010 với nhiều sự kiện giáo dục đáng nhớ. Trong đó, đáng tự hào nhất là Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields, Việt Nam lọt vào top 1.000 đại học kinh doanh tốt nhất. Cùng Ngày Nay điểm lại những sự kiện giáo dục nỗi bật nhất của năm Canh Dần.
Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields
Ngày 19.8.2010, tại Hyderabad, Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu đã vinh dự là một trong 4 nhà toán học giành giải Fields. GS Ngô Bảo Châu là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng danh giá này. Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật có nhà toán học đoạt giải Fields
Huy chương Fields là một giải thưởng được trao 4 năm một lần, do nhà toán học học Canada John Charles Fields sáng lập được trao cho tối đa bốn nhà toán học không quá 40 tuổi tại mỗi kỳ Đại hội Toán học Thế giới của Hiệp hội Toán học Quốc tế (IMU). Cùng với Ngô Bảo Châu, ba nhà toán học khác đoạt giải Fields lần này còn có Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp).
Thành tựu của Ngô Bảo Châu đã được tạp chí uy tín Time của Mỹ đánh giá là một trong 10 phát kiến khoa học quan trọng nhất của năm 2009.
Hơn 23.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống trường chuyên
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân vừa phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Đề án sẽ chia thành 2 giai đoạn: Từ 2010 – 2015 và từ 2015 - 2020. Đến năm 2015 dự kiến 100% các trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế...
Ảnh minh họa
Dự kiến hơn 1.600 tỷ đồng sẽ được sử dụng để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; hơn 600 tỷ đồng để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; hơn 27 tỷ đồng để phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục. Đề án cũng đưa các giải pháp thực hiện như ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15m2/học sinh, các trường đều có đủ phòng học 2 buổi/ngày, có hội trường, nhà tập đa năng…
Không nhận SV tốt nghiệp tại chức vào cơ quan nhà nước
UBND TP Đà Nẵng có chủ trương không tiếp nhận những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước tại Đà Nẵng.
Theo ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, quy định này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Mặt khác, hiện nguồn nhân lực đang được đào tạo bằng kinh phí của thành phố vẫn chưa bố trí hết. Tuy nhiên, chủ trương này đã gây nhiều tranh cãi. Song đây chính là lời cảnh báo về chất lượng đào tạo tại chức.
Việt Nam có 3 trường lọt vào top 1.000 đại học kinh doanh tốt nhất
Bảng xếp hạng thường niên được trang Eduniversal công bố, dựa trên kết quả phân tích của Uỷ ban Khoa học Quốc tế tại hơn 4.000 trường đại học chuyên ngành quản lý và quản trị kinh doanh. Việt Nam có 3 trường lọt vào top 1.000 gồm khoa Quản trị Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Kinh tế TP HCM và Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG).
Trắng đêm xếp hàng xin cho con học
Trắng đêm xếp hàng để đăng ký cho con học tại trường mầm non Thanh Xuân Bắc (Ảnh Dân Trí)
Vào những ngày đầu tháng 7, khi các trường mầm non trên cả nước bắt đầu nhận hồ sơ vào nhập học cho các bé chuẩn bị đến trường. 8h sáng bắt đầu nhận hồ sơ song rất nhiều người đã phải xếp hàng suốt đêm qua, chờ làm thủ tục cho con những trường hợp này chủ yều là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chính Minh, Đà Nẵng…
Tại Hà Nội hàng ngàn người đã trắng đêm xếp hàng xin học mầm non cho con tại một số trường, trong đó nỗi bật nhất là Trường mầm non Thanh Xuân Bắc, Hà Nội.
Chỉ tiêu của nhà trường thì ít, trong khi nhu cầu của phụ huynh lại quá nhiều. Bởi vậy, mới 1-2 giờ sáng, hàng chục phụ huynh đã tới trước cổng trường ngồi chờ. Sau đó, họ lập một danh sách theo thứ tự từ người đến đầu tiên đến hết để gửi cho nhà trường. Nhà trường sẽ căn cứ vào đó mà bán hồ sơ. Tuy nhiên, những phụ huynh đến sau không chấp nhận phương án này vì như vậy chắc chắn là họ không có cơ hội mua hồ sơ. Sự việc ngày càng diễn biến phức tạp nên Ban giám hiệu Trường Mầm non Sơn Ca 5 đã “cầu cứu” UBND P.Tân Chánh Hiệp và Phòng GD-ĐT Q.12. Cuối cùng đã đưa ra giải pháp bốc thăm, ai trúng thăm thì được mua hồ sơ. Kết quả có hơn 70 phụ huynh tham gia bốc thăm nhưng chỉ có 25 bộ hồ sơ được bán ra…
Áp dụng mức học phí mới
Ngày 14.5, Chính phủ ban hành Nghị định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ nay đến năm học 2014-2015.
Mức trần học phí đại học sẽ tăng lên 340.000 đồng một tháng thay vì 240.000 đồng như hiện nay. Học sinh mầm non và phổ thông ở thành thị sẽ phải đóng 40.000-200.000 đồng một tháng.
Học sinh tiểu học, học sinh, sinh viên sư phạm công lập, người học các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp sẽ không phải đóng học phí. Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại sẽ được giảm học phí ở mức 70%.
Người học là con cán bộ, công nhân, viên chức bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; gia đình có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề sẽ được giảm 50% học phí. Mức học phí của các nhóm ngành đại học được áp dụng từ ngày 1.7.2010./.