LTS: Hiện nay sức ép “đậu đại học” đối với các em đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Gần đây những chuyện tự tử vì “trượt đại học” không còn hiếm, thật đau lòng cho các bậc phụ huynh và đáng tiếc cho cả xã hội. Ngày Nay giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Nếu như con không đậu” để các bậc làm cha làm mẹ, cũng như toàn xã hội hiểu rõ hơn về tâm lý lứa tuổi và để tránh những điều đáng tiếc xảy ra với các em chuẩn bị bước vào đời.
10 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh tôi ngồi thu lu một góc giường, tay mân mê cái đồng hồ là vật kỷ niệm của Đoàn trường trao tặng, nước mắt cứ tuôn trào như suối mà không ai có thể ngăn cản được vẫn còn hiển hiện trong tâm trí của tôi như chuyện mới vừa xảy ra ngày hôm qua vậy. Nguyên nhân chỉ vì ba từ “Trượt Đại học”!
Trượt Đại học, đối với tôi lúc đó mà nói là “cú sốc đầu đời” đã quật ngã tôi chỉ trong giây lát. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão còn đang chờ phía trước, bao nhiêu kỳ vọng của gia đình, bao nhiêu tin tưởng của thầy cô trong phút chốc tan thành mây khói. Tôi đã cảm thấy như cả thế giới sụp đổ trước mắt mình. Đầu óc tôi lúc đó chỉ còn là một khối ê ẩm và mụ mị. Tại sao tụi bạn học kém hơn mình lại có thể một lúc đỗ mấy trường còn mình đường đường là học sinh ưu tú của cả trường thì một trường Đại học cũng không đỗ nổi? Cái ý nghĩ đấy làm tôi thấy uất ức vô cùng. Ông nội sẽ ăn nói với hàng xóm, láng giềng ra sao? Mẹ vất vả bao ngày nuôi mình ăn học thì bù lại mình đã trả ơn cho mẹ như thế nào? Tôi cứ quay cuồng trong cái vòng luẩn quẩn đó mà cảm thấy tim mình như quặn lại. Uất ức, tủi hổ và chỉ muốn được ở một mình ở đâu đó thật xa là tất cả những gì lúc đó mà tôi cảm nhận!
10 năm sau “cú ngã đầu đời” đó, nhìn nhận lại chặng đường đã qua tôi luôn thầm cảm ơn gia đình tôi thật nhiều. Ông nội tôi, vốn là người nổi tiếng gia trưởng nhưng không hề có một câu từ nào trách móc tôi lúc đó. Mẹ tôi thì chỉ biết ra sức động viên đứa con gái của bà. Giờ đây, khi đã trở thành giảng viên của một trường Đại học có tiếng tại Hà Nội, tôi vẫn thường nói vui với sinh viên rằng nhờ có cái lần trượt Đại học đó mà tôi mới có được cái may mắn đứng lớp “đàm đạo” với các em! Con đường đi của tôi có thể là dài hơn các bạn bè cùng trang lứa một chút nhưng giờ đây tôi có thể tự hào nói rằng tôi đã khẳng định được bản thân và không làm gia đình phải một lần nữa “thất vọng” về mình!
Hai đợt thi Đại học của năm 2010 đã trôi qua. Chứng kiến cảnh các ông bố, bà mẹ, các anh, các chị “chôn chân” dưới cái nắng gay gắt của trời Hà Nội chờ con, em hoàn thành bài thi, đồng thời cũng chứng kiến tâm trạng đầy lo lắng của các thí sinh trong phòng thi tôi lại rấy lên nỗi “thương vay” trong lòng. Nhiều em không làm được bài thi nhưng cũng không dám nộp bài ra sớm vì sợ bố mẹ thất vọng khi thời gian làm bài còn nhiều mà con đã ra khỏi phòng thi. Rồi nhiều em buộc lòng phải nói dối là làm bài “được” để bố mẹ không “tra khảo” nữa. Có bậc phụ huynh một ngày còn gọi điện cho con tới 5-6 lần chỉ để hỏi xem con đã tra đáp án các môn thi trên mạng chưa và ước lượng được khoảng bao nhiêu điểm? vân vân và vân vân.
Tôi đã tận mắt thấy các em gần như phát khóc trước những câu hỏi dồn dập đó. Tôi cảm nhận rõ áp lực tâm lý trên vai các em nặng nề quá! Liệu rằng ít ngày nữa đây nếu các em không có tên trong danh sách những thí sinh trúng tuyển, mọi người sẽ nhìn nhận các em như thế nào? Có phải gia đình nào cũng sẽ hiểu được tâm trạng của các em giống như ông nội và mẹ đã hiểu tôi vào cái ngày trượt đại học 10 năm về trước của tôi?! Tôi biết chắc rằng điều đó là không dễ. Vậy nên, viết ra những dòng này tôi chỉ mong các bậc làm cha, làm mẹ hãy thông cảm và hiểu cho nỗi khổ tâm, hiểu cho cái áp lực tâm lý vô hình mà các em đang phải chịu.
12 năm đèn sách, chính các em mới là người muốn được đi đây, đi đó, muốn được học cho bằng bạn bằng bè hơn ai hết. Thế nhưng đã gọi là thi có người đỗ thì phải có trượt. Có người làm thầy thì phải có người làm thợ. Hơn nữa thực tế cho thấy là khi đã vào phòng thi không phải cứ có kiến thức là các em có thể làm tốt bài thi của mình. Kết quả bài thi còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố tâm lý khác. Trong số những yếu tố tâm lý đó, sự kỳ vọng của gia đình đối với thành tích của các em trong không ít trường hợp chính là sức nặng tâm lý vô hình ảnh hưởng không tốt đến kết quả thi của các em.Vậy nên, đừng vì các em trượt ngã một lần mà mắng nhiếc, dè bỉu các em. Hơn lúc nào hết các em cần có sự cảm thông, chia sẻ từ tất cả các thành viên trong gia đình.
Trượt chân một lần không có nghĩa là mọi cánh cửa tương lai đã đóng lại trước mắt các em. Chặng đường phía trước của các em còn dài, cánh cửa này đóng lại đồng nghĩa với việc cánh cửa khác sẽ mở ra. Hãy đứng vào vị trí của các em để cảm nhận một phần áp lực mà các em đang phải chịu. Thay vì là những “bề trên” với những bài thuyết giáo to tát hay những lời trách móc nặng nề, mong các bậc làm cha, làm mẹ hãy là những người bạn đồng hành, biết cách yêu thương và chia sẻ với các em./.
Tiến sỹ tâm lý học Trịnh Linh
Trung tâm Nâng cao năng lực và hỗ trợ tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên