Home Giáo dục Tin tức Gia đình hiếu học, giòng họ khuyến học

Gia đình hiếu học, giòng họ khuyến học

Email In PDF.

Ở nước ta, trong hàng nghìn năm qua, người dân luôn khát khao sự học với ý thức học để làm người, học để có được những tri thức và năng lực hoạt động, đẩy mạnh sản xuất, học để thoát cảnh đói nghèo. Khát vọng đó đã tạo nên truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc. Truyền thống hiếu học đã được từng gia đình gìn giữ và phát huy.

Ngày trước, những người làm cha làm mẹ thường tâm niệm lời dạy của cổ nhân:

“Huỳnh kim mãn dinh, bất như giáo tử nhất kinh

Chí tử thiên kim, bất như giáo tử nhất nghệ

Chí lạc mạc như độc thư

Chí yếu mạc như giáo tử”.

Tạm dịch là:

“Có hòm vàng đầy không bằng dạy cho con một quyển sách

Cho con ngàn đồng vàng không bằng dạy cho con một nghề

Cuộc đời vui nhất là được đọc sách

Việc cần nhất trong đời là giáo dục con cái”.

Đề cao sự học là cái triết lý mà nền giáo dục cổ truyền vun đắp và phát huy. Người dân được giáo dục theo tinh thần:

“Ngọc bất trác bất thành khí

Nhất bất học bất tri lý”

(Ngọc không được chế tác thì không thành vật phẩm. Người mà không học thì không hiểu được nghĩa lý ở đời).

Nhà bác học Lê Quý Đôn đã tổng kết lại một cách ngắn gọn như sau:

“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng

Chẳng bằng kinh sử một vài pho”.

Trong một quốc gia ngàn năm văn hiến, cộng đồng các dân tộc Việt Nam có rất nhiều gia đình nhờ “sôi kinh nấu sử” mà thành danh; suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, đời nào cũng có những gia đình như vậy. Ở thế kỷ XIV, có Nguyễn Ứng Long, bố mẹ sống bằng nghề làm thuê cho một cửa hàng buôn tương mắm. Nhờ hiếu học, Ứng Long đã đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) năm Giáp Dần (tháng 2 năm 1374). Tư đồ Trần Nguyên Đán thấy có tài mà gả con gái cho, không câu nệ kén môn đăng hộ đối. Đến đời Hồ Quý Ly, Nguyễn Ứng Long (bây giờ đã đổi là Nguyễn Phi Khanh) được bổ nhiệm làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám (ngày nay là chức Giám đốc). Nguyễn Trãi là con trai của Nguyễn Phi Khanh, đỗ tiến sĩ năm 20 tuổi, làm quan đến chức Chánh chưởng Ngự sử đài. Nguyễn Trãi đã trở thành nhà quân sự lỗi lạc, nhà chính trị lẫy lừng, nhà thơ bất hủ và nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.

Ảnh mang tính minh hoạNói đến hiếu học, ta không thể kể hết những con người học vấn uyên thâm, tài năng lỗi lạc. Ở đây, chỉ muốn nói đến những gia đình có truyền thống học hành như gia đình Ngô Thì ở thế kỷ XVIII. Nhiều người đánh giá rằng, đây là một gia đình “khổng lồ” của những con người nổi danh uyên bác: Ngô Thì Ức, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm mà những tác phẩm của họ đã hình thành nên một “Ngô gia văn phái” được người đời biết tiếng. Xuất sắc hơn cả là Ngô Thì Nhậm (1746-1803), tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên. 30 tuổi đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Ất Mùi (1775) đời vua Lê Hiền Tông. Người đương thời và các thế hệ người Việt Nam sau này tôn vinh ông là một danh nhân đất Thăng Long - Bắc Hà, là nhà chính trị kiệt xuất, nhà quân sự lỗi lạc và nhà văn tài ba.

Trong lịch sử phát triển giáo dục của nước nhà, ta thấy xuất hiện nhiều những gia đình khoa bảng, gia đình có con cái thành đạt, gia đình nổi tiếng về lòng hiếu học. Tới địa phương nào, nghiên cứu về sự học của làng xã, tìm hiểu gia phả của các họ tộc, chúng ta luôn bắt gặp những gia đình làm rạng rỡ cho xóm làng, cho cộng đồng dân cư, cho dòng họ của mình bởi sự thành đạt nhờ biết vun đắp truyền thống hiếu học.

Ngày 02 tháng 10 năm 1996, Hội Khuyến học Việt Nam chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Để thực hiện tốt chức năng khuyến khích và hỗ trợ sự học hành trong nhân dân, Hội chủ trương thi đua xây dựng các gia đình hiếu học nhằm tạo nên một nội lực quan trọng thúc đẩy nhân dân tham gia các hình thức học tập. Xây dựng gia đình hiếu học, về thực chất, là phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, làm cho mỗi người dân thấy được tầm quan trọng của việc học hành đối với chủ trương vận động nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triển ngành nghề, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học do Hội Khuyến học Việt Nam phát động đã được nhân dân tích cực hưởng ứng. Để đạt được danh hiệu gia đình hiếu học, từng gia đình phải đăng ký với Hội Khuyến học ở cơ sở thực hiện ba tiêu chí sau:

1. Tất cả con em trong gia đình đều phải được đến trường, lớp học tập đúng độ tuổi, kết quả học tập đạt từ trung bình trở lên, không lưu ban bỏ học;

2. Người lớn tuổi trong gia đình (trừ người già ốm yếu) đều phải có nội dung học tập thích hợp để không ngừng nâng cao học vấn, hoàn thiện tay nghề, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng cuộc sống;

3. Các thành viên trong gia đình tích cực tham gia công tác khuyến học, xây dựng gia đình hòa hợp, hạnh phúc, giáo dục cho con em về đạo đức, có quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, không vi phạm pháp luật.

Tính đến cuối năm 2003, cả nước đã có gần 1.500.000 gia đình đăng ký thi đua đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học”. Phong trào thi đua thật sự sôi động trong các cộng đồng dân cư.

Tại các tỉnh, các thành phố phía Bắc, Hải Dương là đơn vị tổ chức sớm nhất Đại hội liên hoan các gia đình hiếu học (2003). Trong toàn tỉnh có trên 20.000 gia đình tham gia phong trào thi đua, số gia đình được bình chọn danh hiệu gia đình hiếu học đạt con số gần 7.000. Phong trào thi đi đua được đẩy mạnh khá đều ở Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Lại Châu.

Tại miền Trung, cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học được đẩy mạnh ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đăk lăk, Lâm Đồng, Đà Nẵng. Nổi bật hơn cả là Thanh Hóa, có tới gần 100.000 gia đình đăng ký thi đua và 45.000 gia đình được cộng nhận đạt danh hiệu gia đình hiếu học.

Ở phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng là những địa phương có nhiều sáng kiến trong cuộc vận động. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tổ chức cuộc họp mặt các gia đình hiếu học sau năm 2000 và đó là một gợi ý quan trọng cho Hội Khuyến học Việt Nam quyết định mở ra cuộc thi đua xây dựng gia đình hiếu học. Trước năm 2004, cả thành phố đã có trên 6.000 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học.

Trong 2 ngày 10 và 11 tháng 12 năm 2004, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội biểu dương các gia đình hiếu học toàn quốc lần thứ I. Về dự Đại hội có 313 gia đình đại diện cho trên 1.500.000 gia đình đăng ký thi đua đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Trong số các gia đình về dự Đại hội ta thấy có gia đình nông dân, công nhân, viên chức, bộ đội, công an, nhà giáo, nhà khoa học, v.v…với nhiều dân tộc như Thái, Dao, Mường, H’mông, Ê-đê, Khmer, Chăm, Vân Hồ v.v…

Đại hội đánh giá rằng, gia đình hiếu học là nhân tố mới trong cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư, là hạt nhân của cuộc vận động toàn dân học tập.

Đại hội khẳng định rằng, chủ trương thi đua xây dựng gia đình hiếu học của Hội Khuyến học đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng sôi nổi và nhiệt tình. Rất nhiều gia đình đã từng bước trở thành gia đình của những lao động trí thức – một mô hình gia đình rất cần thiết trong xã hội tương lai.

Đại hội cho rằng, phấn đấu trở thành gia đình hiếu học là quá trình xây dựng gia đình thành một tổ ấm, hạnh phúc và tiến bộ. Những gia đình về dự Đại hội là những gương sáng về lòng hiếu học trong xã hội ta.

Tháng 12/2005,  tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần III của Hội Khuyến học Việt Nam, Trung ương Đảng có trao tặng Hội một bức trướng lớn với ba dòng chữ vàng:

Hội Khuyến học Việt Nam

Khuyến học Khuyến tài

Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập

Từ đó, phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học đã gắn liền với mục tiêu xây dựng xã hội học tập, coi gia đình hiếu học như những tế bào của xã hội học tập. Đại hội biểu dương các gia đình hiếu học toàn quốc lần thứ I đã có một sức mạnh động viên to lớn đối với cuộc vận động xây dựng xã hội học tập ở cơ sở. Cũng từ Đại hội này, tại 63 tỉnh, thành trong toàn quốc đã hình thành một hướng thi đua mới: xây dựng các dòng họ khuyến học.

Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã quyết định mở rộng thi đua bằng nội dung xây dựng các dòng họ khuyến học với 5 tiêu chí:

1. Trong dòng họ có trên 50% gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học;

2. Dòng họ quan tâm giúp đỡ những gia đình khó khăn để tất cả con em trong dòng họ đếu được đến trường;

3. Dòng họ có quỹ khuyến học. Quỹ của dòng họ phải hoạt động có hiệu quả;

4. Trong dòng họ có Chi hội khuyến học (hoặc Ban khuyến học);

5. Mọi gia đình trong dòng họ đều thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

Đến đầu năm 2007, phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học đã được mở rộng và khá sôi động. Số gia đình đăng ký trở thành gia đình hiếu học đã lên tới con số trên 4.000.000 và số dòng họ hưởng ứng cuộc vận động này đã trên dưới 30.000. Trước tình hình này, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã quyết định triệu tập Đại hội gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu lần thứ II. Cuối tháng 9/2007, theo thống kê của các tỉnh, thành hội khuyến học, trong cả nước đã có trên 1.700.000 gia đình được công nhận đạt danh hiệu gia đình hiếu học và 16.000 dòng họ đã đạt 5 tiêu chuẩn dòng họ khuyến học.

Trong 2 ngày 9 và 10/10/2007, Đại hội gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Số đại biểu của các gia đình và dòng dọ tham dự Đại hội là 321 người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự của Hội Khuyến học Việt Nam đã gửi thư đến Đại hội. Trong thư có đoạn viết:

“Trong thời gian qua, do chăm chỉ và quyết tâm học tập, nhiều gia đình đã tiếp thu được tri thức khoa học và công nghệ, trên cơ sở đó đã có nhiều sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, đẩy mạnh sản xuất, nhờ đó mà vượt qua được cảnh nghèo túng và bắt đầu tích lũy được vốn để mở rộng sản xuất. Nhiều thành viên trong hàng triệu gia đình trước đây là những người lao động chân tay giản đơn vất vả, nay đã trở thành những lao động tri thức, có tay nghề. Học tập liên tục, học tập suốt đời là con đường duy nhất đúng xóa đói, giảm nghèo để gia đình ấm no, để đời sống cộng đồng lành mạnh, để đất nước ta nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu, sớm trở thành một nước công nghiệp trong vòng vài ba thập kỷ tới, để xã hội ta trở thành một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh v.v…

Tôi mong rằng, các gia đình hiếu học, các dòng họ khuyến học cũng như mọi hội viên và cán bộ Hội Khuyến học Việt Nam luôn luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ:

Học không bao giờ cùng

Học mãi để tiến bộ mãi

Càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm”

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu tại Đại hội. Ông đánh giá rất cao phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học. Ông nhấn mạnh rằng:

“Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học để xây dựng xã hội học tập là một cách làm độc đáo ở Việt Nam, có ý nghĩa lớn trong việc động viên mọi người học tập, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Gia đình Việt Nam luôn gắn liền với dòng họ. Dòng họ có tác dụng gắn kết mọi gia đình trong việc duy trì và phát huy những truyền thống tốt đẹp của họ tộc, động viện các gia đình giữ gìn gia phong, thực hiện gia giáo. Trong lịch sử dân tộc ta đã có biết bao gia đình vinh hiển, dòng họ khoa bảng lưu danh mãi mãi. Hiện nay, hàng vạn dòng họ đang thúc đẩy các gia đình trong họ thi đua với nhau và thi đua với các dòng họ khác, ra sức học tập trau dồi kiến thức, đóng góp nhiều cho xã hội, dành vinh quang về cho họ tộc mình.

Hội Khuyến học Việt Nam và các cấp Hội đã hiểu sâu sắc vai trò, tác dụng của gia đình và dòng họ trong việc khơi dạy truyền thống hiếu học của dân tộc, sáng tạo vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí học tập vào giai đoạn mà dân tộc cần phải đột phá, đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách tụt hậu, quyết tâm sớm đưa các nghị quyết của Đảng về xây dựng xã hội học tập vào cuộc sống…”.

Sau Đại hội này, phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học phát triển rầm rộ hơn, lôi cuốn đông đảo nhiều người tham gia hơn. Nội dung thi đua cũng mang nhiều nét mới hơn. Về gia đình hiếu học, nhân dân tại nhiều địa phương đã chia gia đình hiếu học thành nhiều loại như gia đình thành đạt, gia đình cử nhân, gia đình tiến sĩ. Về dòng họ, ở những nơi không có những gia đình trong họ tộc quần tụ, nhân dân đã tôn vinh những tổ dân phố, những thôn bản, phum sóc có thành tích khuyến học và đề xuất những danh hiệu mới như thôn khuyến học, tổ dân phố khuyến học, v.v…Nhiều tổ chức tôn giáo cũng bị lôi cuốn vào phong trào này và nhân dân đã đánh giá cao một số xứ đạo khuyến học, nhà chùa khuyến học.

Đến nay, đã gần hai năm sau Đại hội gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu lần thứ II, trong cả nước đã có 2.989.673 gia đình hiếu học và 39.736 dòng họ khuyến học được cấp giấy chứng nhận. Theo thống kê, có 6 tỉnh đạt số lượng gia đình hiếu học trên 100.000 là Nghệ An (314.000), Thanh Hóa (185.513), Nam Định (172.000), Vĩnh Phúc (169.724), Ninh Bình (160.000), Thái Bình (118.884). 13 địa phương có số gia đình hiếu học trên 50.000 là Hà Tĩnh (93.946), Bắc Ninh (88.022), Quảng Ninh (85.000), Thừa Thiên - Huế (84.468), Cần Thơ (75.081), Tây Ninh (74.198), TP. Hồ Chí Minh (70.000), Đồng Nai (63.391), Trà Vinh (60.089), Thái Nguyên (56.743), Sơn La (56.611), Phú Thọ (53.501), Quảng  Bình (50.185).

Về dòng họ, số tỉnh, thành có trên 1.000 dòng họ khuyến học là Quảng Bình (46.000), Nghệ An (3683), Bắc Giang (3617), Thanh Hóa (3406), Hải Dương (3100), Hà Tĩnh (2986), Bắc Ninh (2298),Thái Bình (2317), Nam Định (2120), Đà Nẵng (1630), Vĩnh Phúc (1583), Ninh Bình (1389).

Thi đua xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học là một phong trào có nhiều tác động tích cực đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục trong hệ thống giáo dục trường học cũng như giáo dục ngoài nhà trường: số học sinh lưu ban, bỏ học giảm đi; số người tham gia học tập ở hệ thống trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên tăng lên; số học sinh vi phạm nội quy nhà trường hoặc tham gia vào các vụ việc tiêu cực cũng ít hơn trước, v.v…

Thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học hiện đã là một phong trào rộng khắp trong cả nước, là một nét văn hóa lành mạnh trong các cộng đồng dân cư. Cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học đã và đang làm cho giáo dục nhà trường gắn kết hơn với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, tạo được sự đồng thuận trong từng cộng đồng dân cư và góp phần thúc đẩy phong trào thi đua học tốt, dạy tốt trong nhà trường hiện nay./.

GS.TS Phạm Tất Dong

alt

 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung