Lê Thị Ngọc Tú sinh năm 1987 tại Thái Bình, hiện là sinh viên năm cuối lớp Địa chất B, K50, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao giải Nhất trong hệ thống các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2009 và được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) trao giải Nhà phát minh trẻ nhất Việt Nam năm 2009 với đề tài: Nghiên cứu đặc điểm địa chất thạch học khoáng vật và các đặc tính công nghệ đá bazan Kainơzoi khu vực Nông Cống (Thanh Hoá) và Phủ Quỳ (Nghệ An) theo hướng chế tạo bê tông đầm lăn (BTĐL) cho các đập thuỷ điện lớn. Phóng viên Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với Nhà phát minh trẻ này xung quanh đề tài đoạt giải, những khó khăn và giải pháp khắc phục trong quá trình NCKH mà bạn đã gặp phải.
Tú có thể giới thiệu đôi nét về đề tài mà bạn đã được nhận Giải thuởng Nhà phát minh trẻ của WIPO năm 2009?
Ở Việt Nam hiện nay, nhiều công trình lớn đang được xây dựng để phát triển cơ sở hạ tầng như các công trình giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện(thuỷ điện A Vương, Pleikrông, Bản Vẽ, Sơn La...). Vì các công trình này đều đòi hỏi thời gian thi công ngắn, năng suất thi công cao hơn nên giải pháp xây dựng đập bằng công nghệ BTĐL là giải pháp tối ưu.Ở khu vực Thanh Hóa và Nghệ An, các công trình thủy điện, thủy lợi, hệ thống đường giao thông... đang và sẽ được đầu tư xây dựng phát triển mạnh (đập thuỷ điện Bản Vẽ), đòi hỏi một nguồn nguyên liệu phụ gia khoáng rất lớn. Chính vì vậy, nghiên cứu các đá bazan một cách có hệ thống theo hướng chế tạo BTĐL là nhiệm vụ cấp bách để cung cấp nguồn phụ gia tự nhiên có đặc tính kỹ thuật đảm bảo, giá thành rẻ không những cho các công trình xây dựng của địa phương mà còn cho cả các khu vực lân cận.
Đối tượng nghiên cứu mà đề tài lựa chọn là các đá bazan có tuổi Kainozoi khu vực Nông Cống (Thanh Hóa) có tọa độ địa lý 19o63'35" đến 19o40'00'' vĩ độ Bắc, 105o32'15'' đến 105o43'15'' kinh độ Đông, với tổng diện tích khoảng 45km2 và khu vực Phủ Quỳ (Nghệ An) có tọa độ địa lý: 19o12’43’’ đến 19o29’05’’ vĩ độ Bắc; 105o8’16’’đến 105o34’49’’ kinh độ Đông.
Các đá bazan tại đây được thành tạo trong hai giai đoạn phun trào, thuộc tướng phun trào thực sự (kiểu khe nứt) và tướng phun nổ. Thành phần của các đá bazan khu vực nghiên cứu có chứa các hợp phần hoạt tính SiO2, Al2O3, có các đặc tính công nghệ đáp ứng chế tạo BTĐL theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của Mỹ về phụ gia hoạt tính.
Những kết quả mà đề tài đã đạt được là gì? Theo Tú, những khó khăn mà các sinh viên như Tú gặp phải khi tham gia công tác nghiên cứu khoa học là gì?
Đề tài nghiên cứu các đá bazan Nông Cống (Thanh Hoá) và Phủ Quỳ (Nghệ An) làm phụ gia hoạt tính chế tạo BTĐL xây dựng những đập thuỷ điện lớn không chỉ đưa ra được những đặc điểm địa chất, thành phần vật chất, diện phân bố và hệ thống những đặc tính công nghệ của bazan khu vực nghiên cứu mà còn góp phần làm cơ sở dữ liệu cho việc nghiên cứu các loại phụ gia khoáng thiên nhiên phục vụ chế tạo BTĐL xây dựng các đập thuỷ điện và nhiều công trình khác mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước như: Xây dựng sân bay, cảng, kè chắn sóng, các công trình bê tông khối lớn, diện rộng, hệ thống đường giao thông liên tỉnh, huyện, xã, khu vực miền núi, nông thôn… Ngoài ra, hướng nghiên cứu của đề tài có thể còn là cơ sở định hướng cho các nghiên cứu về các đá bazan làm phụ gia cho xi măng, gạch không nung...
Hiệu quả kinh tế: Nghiên cứu các đá phun trào bazan Kainozoi nói riêng và các loại phụ gia khoáng thiên nhiên nói chung sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề và địa phương. Những công trình thủy điện lớn thường được xây dựng ở những khu vực có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, vì vậy, việc tìm được những nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển và giảm giá thành sẽ rất có ý nghĩa. Khu vực miền núi, nông thôn hiện nay đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, các công trình thuỷ lợi, thủy nông... cũng đòi hỏi một lượng lớn nguồn phụ gia khoáng tại chỗ.Mặt khác, chúng ta đang giúp các nước bạn Lào, Campuchia xây dựng các công trình thủy điện ở vùng biên giới (Thủy điện Sê San, Sê Ka Man, Luông Pra Bang...), là những nơi cũng có địa hình rất hiểm trở. Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế địa phương và quan hệ hợp tác quốc tế.
Công trình Thuỷ điện Bản Vẽ (Nghệ An) đang xây dựng, sử dụng nguồn puzơlan ngay tại địa phương là một giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay đập Thuỷ điện Sơn La đang xây dựng bằng công nghệ BTĐL, nguồn phụ gia hoạt tính được sử dụng là tro bay nhiệt điện Phả Lại, tuy lượng tro bay có hoạt tính tốt nhưng trữ lượng rất nhỏ. Nguồn phụ gia đang được tính đến là puzơlan Mu Rùa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tuy nhiên, quãng đường vận chuyển rất xa, vì thế sử dụng puzơlan Nông Cống - Thanh Hoá và Phủ Quỳ - Nghệ An sẽ giảm thời gian và giá thành vận chuyển, giảm được thời gian thi công công trình.
Khả năng áp dụng của đề tài vào điều kiện Việt Nam: Đá bazan có tuổi Kainozoi phân bố khá rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt ở Trung Bộ và Tây Nguyên. Các đá bazan thường tạo thành lớp phủ rộng trên bề mặt tương đối bằng phẳng, điều kiện khai thác và vận chuyển khá dễ dàng. Các thiết bị khai thác, chế biến, vận chuyển puzơlan hoàn toàn có sẵn ở Việt Nam, sử dụng puzơlan hoạt tính từ bazan Kainozoi vào xây dựng những đập thuỷ điện lớn cũng như mạng lưới giao thông của các địa phương là hoàn toàn khả thi, phù hợp với điều kiện đất nước và địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Hướng và kết quả nghiên cứu của đề tài có thể làm tư liệu đưa vào bài giảng Thạch học, Nguyên liệu khoáng..., làm tài liệu giúp định hướng học tập và nghiên cứu của sinh viên ngành Địa chất trong các trường đại học trên cả nước.
Theo em, những khó khăn mà sinh viên gặp phải khi tham gia nghiên cứu khoa học đó chính là: Thời gian hoàn thành đề tài ngắn, thời gian sinh viên thực hiện đề tài chỉ khoảng 6 tháng tới 1 năm. Sinh viên nghiên cứu khoa học hoàn toàn độc lập với việc học tập trên lớp. Nên ngoài thời gian học tập trên lớp, sinh viên còn phải sắp xếp thời gian ôn thi, nghiên cứu khoa học, việc đi thực địa, thí nghiệm trên phòng mẫu, và còn làm thêm nữa… Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện đề tài của sinh viên còn quá thấp, mỗi đề tài sinh viên thực hiện chỉ có 300.000 đồng (mức kinh phí trên không đủ trang trải cho việc mua sắm dụng cụ thí nghiệm, đi khảo sát thực tế...). Việc thu thập tài liệu, thông tin liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu vẫn còn hạn chế về nhiều mặt, nhất là chưa hoàn thiện về mặt kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc thực tế, vì vậy cần phải học hỏi, thu thập tham khảo tài liệu thêm rất nhiều ở thư viện, trên Internet, các trung tâm lưu trữ thông tin, thư viện quốc gia… Đôi khi, em thấy việc tham khảo tài liệu ở những trung tâm lưu trữ đối với sinh viên cũng là một việc làm không dễ.
Từ thành công trên, Tú có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong công tác nghiên cứu khoa học. Lời khuyên của Tú dành cho các bạn sinh viên là gì?
Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học là một sân chơi bổ ích được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm dành cho các bạn sinh viên trên các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Tham gia nghiên cứu khoa học giúp sinh viên hình thành cách tư duy khoa học, những kinh nghiệm làm việc thực tế, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, năng động và những ý tưởng khoa học của mình.
Theo em, các bạn sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa cần chú ý một số vấn đề như: Cần nắm rõ những kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành về đề tài nghiên cứu khoa học của mình. Đọc và tham khảo nhiều sách về lĩnh vực mình nghiên cứu. Khả năng ứng dụng đề tài khoa học của mình vào thực tiễn đất nước hiện nay như thế nào? Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học thì việc áp dụng, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn là rất quan trọng. Tuỳ vào từng cấp đề tài nghiên cứu khoa học mà bạn đi được, khi trình bày cần có những điểm nhấn mạnh và điều chú ý khác nhau. Sinh viên có nhiều bạn còn chưa tự tin vào khả năng của mình, nhưng “Chưa thử sao biết mình không làm được” (một ngôi nhà dù cao tới bao nhiêu thì cũng xây bắt đầu từ một viên gạch mà). Sinh viên cần dám nghĩ, dám làm, dám mơ ước và sáng tao./.
Phong Vũ