Home Khoa học Công nghệ Doanh nghiệp với vấn đề đổi mới công nghệ

Doanh nghiệp với vấn đề đổi mới công nghệ

Email In PDF.

Trong môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, hiện nay, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững. Thực tế này đang đặt ra cho chúng ta (cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô) những yêu cầu bức thiết về đổi mới công nghệ, về sự tồn tại và phát triển của bản thân mỗi doanh nghiệp và cả quốc gia.

Đổi mới công nghệ và lợi ích

Đổi mới công nghệ là việc chủ động thay thế phần quan trọng (cơ bản, cốt lõi) hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn.

Đổi mới công nghệ có thể chỉ giải quyết bài toán tối ưu về các thông số của quá trình sản xuất như: Năng suất, chất lượng, hiệu quả… hoặc có thể nhằm tạo ra một sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ thị trường. Đổi mới công nghệ cũng có thể trên cơ sở đưa ra hoặc ứng dụng những công nghệ hoàn toàn mới chưa có trên thị trường hoặc là thông qua việc chuyển giao công nghệ…

altNhư chúng ta đã biết, công nghệ là một sản phẩm của con người và nó cũng tuân theo quy luật chu trình sống của sản phẩm. Tức là nó được sinh ra, phát triển và cuối cùng là suy vong. Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu không có những hoạt động nhằm đổi mới công nghệ thì chắc chắn hệ thống công nghệ, dây chuyền sản xuất, máy móc, trang thiết bị… sẽ trở nên lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, dẫn đến bị đào thải, làm cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp bị đe doạ. Do đó, đổi mới công nghệ là tất yếu và phù hợp với quy luật phát triển. Tính tất yếu của đổi mới công nghệ còn xuất phát từ các lợi ích khác nhau mà đổi mới công nghệ đem laị cho doanh nghiệp cũng như cho toàn xã hội nói chung.

Đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố, duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm; đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt, về mặt lợi ích thương mại, nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt.

Như vậy, đổi mới công nghệ thành công thực sự có ý nghĩa khi và chỉ khi nó được thị trường, xã hội chấp nhận. Xã hội chính là nơi tiếp nhận thành tựu của đổi mới công nghệ, nhưng đồng thời cũng là nơi cung cấp nguồn lực cho quá trình đổi mới công nghệ thành công. Mọi đổi mới công nghệ đều bắt nguồn từ những nhu cầu xã hội hoặc phục vụ nhu cầu nào đó của xã hội. Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ là một quá trình sáng tạo mà quá trình đó thường xuất phát từ các cá nhân không hài lòng với thực tại. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu, chế tạo thiết bị, công nghệ cần phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của xã hội để cải tiến, sản xuất ra những thiết bị, công nghệ phục vụ thiết thực sản xuất. Giải pháp tốt nhất trong vấn đề này là thông qua việc khảo sát, điều tra nhu cầu của người sản xuất hoặc thông qua “Chợ công nghệ và thiết bị”. Đây là cầu nối hiệu quả nhất để nhà nghiên cứu và người sản xuất có nhu cầu sẽ trực tiếp trao đổi nhằm đưa những thiết bị, công nghệ phù hợp, cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất và để quá trình thương mại hóa hiệu quả nhất.

Các yêu cầu đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp

Đổi mới công nghệ sẽ mang lại hiệu quả rất thiết thực, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì công nghệ được xem là vũ khí cạnh tranh mạnh mẽ nhất. Đổi mới công nghệ sẽ tạo ra những sản phẩm tiên tiến hơn, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn, năng suất cao hơn, chi phí sản xuất giảm, hạ được giá thành sản phẩm, ưu thế cạnh tranh trên thị trường ngày càng tốt hơn.

Để thực hiện đổi mới công nghệ đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp lưu ý những vấn đề sau:

Có định hướng phát triển

Đây là yêu cầu rất quan trọng đối với doanh nghiệp vì nếu không có định hướng phát triển rõ ràng, chỉ tập trung vào việc khai thác các cơ hội trước mắt hoặc duy trì quy mô hiện có về thiết bị, công nghệ, lao động… thì doanh nghiệp tự mình giảm thị phần của mình trên thương trường và từng bước bị đẩy lùi về phía sau. Do đó, những doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhanh và đổi mới có hiệu quả là những doanh nghiệp luôn có mục tiêu mở rộng, phát triển và chủ động lập kế hoạch phát triển lâu dài.

Cập nhật thông tin công nghệ

Cập nhật thông tin về công nghệ là rất cần thiết đối với doanh nghiệp, nhất là cập nhật những thành tựu mới về công nghệ và sản xuất kinh doanh liên quan đến ngành mình và các ngành có liên quan, những thông tin đầy đủ về thị trường, chính thức hóa công việc này thông qua bộ phận marketing của doanh nghiệp.

Có chính sách kích thích tính sáng tạo trong doanh nghiệp

Trong quá trình sản xuất sẽ xuất hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… để đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nguyên, nhiên liệu, hạ giá thành sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần tạo môi trường thuận lợi để kích thích sự sáng tạo, suy nghĩ, thử nghiệm, thảo luận và phát triển các ý tưởng của các thành viên trong doanh nghiệp.

Đầu tư đổi mới công nghệ

Sự thành công của đổi mới công nghệ được quyết định bởi chất lượng các hoạt động, sự kết hợp giữa các cá nhân và các bộ phận với nhau thật sự chặt chẽ và phát huy hiệu quả cao. Do đó, đầu tư cho đổi mới công nghệ đòi hỏi nguồn lực lớn (cả nhân lực lẫn tài lực). Sự quan tâm tích cực đến việc đổi mới công nghệ của doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức khác nhau sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc khuyến khích khả năng sáng tạo của các cá nhân trong doanh nghiệp và thu hút trí tuệ, kinh nghiệm, … của các chuyên gia giỏi, các nhân viên có kinh nghiệm từ bên ngoài để thực hiện kế hoạch đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; đồng thời nó là cơ sở để có thể tiếp nhận công nghệ chuyển giao từ bên ngoài.

Đào tạo nguồn nhân lực

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển dựa vào nền tảng phát triển công nghệ, cần phải tạo ra nguồn nhân lực được đào tạo chuẩn mực về công nghệ, phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất và quan trọng là phải tạo cơ hội và môi trường thích hợp nhằm phát huy tối đa năng lực sáng tạo của lực lượng lao động theo đúng lĩnh vực chuyên môn được đào tạo. Như vậy, việc tạo nguồn nhân lực công nghệ là một trong những khâu quan trọng nhằm củng cố, phát triển năng lực công nghệ để thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp đề ra trong từng giai đoạn phát triển. Để có nguồn nhân lực công nghệ phù hợp, doanh nghiệp phải có sự đánh giá và trên cơ sở quy hoạch, xác định kế hoạch để xây dựng nguồn nhân lực một cách khoa học và có hệ thống./.

Phong Vũ

alt