Home Giáo dục Tin tức Thế giới hướng tới xã hội học tập

Thế giới hướng tới xã hội học tập

Email In PDF.
Bước sang thế kỷ XXI, nhiều quốc gia đã tiến hành xây dựng một nền giáo dục mới theo hướng xã hội học tập. Tuy chưa có quốc gia nào tuyên bố về tiêu chí đạt trình độ xã hội học tập, nhưng họ đều đưa ra những chính sách nhằm giúp người dân có được cơ hội học tập suốt đời, còn đối với việc xây dựng mô hình cụ thể thì họ nói rằng, phải đổi mới hoặc cải cách giáo dục hướng tới xã hội học tập tương lai, tức là xã hội học tập ở nước họ mới chỉ là mô hình của ngày mai, chưa có xã hội học tập hiện thực.

Gần đây, qua mạng Google, Yahoo hay các Website của UNESCO, EU, OECD và các cổng thông tin của nhiều nước thì mô hình của một nền giáo dục định hướng xã hội học tập thường có mấy yêu cầu sau:

- Hệ thống giáo dục quốc dân gồm hai hệ hợp thành: hệ giáo dục ban đầu và hệ giáo dục tiếp tục. Trong hai hệ này có ba hình thức giáo dục: Giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy, giáo dục phi chính quy.

giao-duc-6- Các trường lớp trong hệ giáo dục ban đầu từ mầm non đến trung học phải phủ kín các địa bàn dân cư, bảo đảm cho mọi trẻ em, kể cả trẻ khuyết tật đều được đi học. Trong vài thập kỷ đầu thế kỷ XXI, phải đạt chỉ tiêu phổ cập giáo dục trung học. Hầu hết các nước đều mong muốn giáo dục phổ cập được miễn phí và học hai buổi/ngày.

Để thực hiện được phổ cập giáo dục trung học thì phải xây dựng mối quan hệ liên thông giữa trung học phổ thông, trung cấp nghề và trung cấp kỹ thuật, đồng thời liên thông với giáo dục sau trung học. Sự liên thông này sẽ giúp cho thanh niên dễ dàng hơn trong việc chọn hướng đi vào tương lai và yên tâm rằng, mọi hướng lựa chọn không cột chặt vào bậc học trung học.

- Hệ thống giáo dục đại học phải mang tính mở, đa ngành, đa lĩnh vực, đa mục tiêu, hiện đại hóa và quốc tế hóa với quy mô mở rộng liên tục để có thể chuyển từ đại học tinh hoa sang đại học đại chúng, và cuối cùng, thực hiện được đại học phổ cập.

- Hệ thống giáo dục người lớn phải đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng và đa trình trình độ của người dân, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, trình độ học vấn, địa vị xã hội, thành phần dân tộc v.v…của người trưởng thành.

Hệ thống giáo dục người lớn chủ yếu nằm trong cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy v.v…Một trong những dấu hiệu mới nhất, cơ bản nhất của nền giáo dục hướng tới xã hội học tập là việc nhìn nhận vị trí của giáo dục người lớn và những chính sách quốc gia đối với hệ giáo dục này.

- Hệ giáo dục đặc biệt cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, ít khả năng tiếp cận những thành quả giáo dục và khoa học như người tàn tật, người gặp rủi ro, bất hạnh, người gặp tai nạn, người phạm pháp, người nghiện ma túy.

Năm 1999, trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) có một nhận định ngắn gọn như một khuyến cáo về giáo dục:

“Giáo dục mà không mở cửa cho đổi mới và tri thức thì sẽ không dẫn tới phát triển kinh tế”.

Chấp nhận quan điểm này có nghĩa là phải cách mạng về khái niệm giáo dục: Giáo dục là nhân tố bên trong của hệ thống kinh tế, đầu tư cho giáo dục, cho vốn con người, cho vốn trí tuệ và cho cả vốn công nghệ cũng là đầu tư để phát triển kinh tế. Do đó, cải cách giáo dục là đầu tư cho phát triển kinh tế. Tư duy giáo dục truyền thống coi giáo dục chỉ như một phúc lợi xã hội. Dòng tư duy đó là rào cản của những chính sách đầu tư cho giáo dục và đã kìm hãm giáo dục trong vòng lẩn quẩn.

Muốn phát triển kinh tế tri thức thì tri thức phải được coi là một loại hàng hóa công cộng (các nhà kinh tế học gọi là hàng hóa “không có sự kình địch”. Theo quan điểm này, ý kiến của Thomas Jefferson là chí lý:

“Anh ta nghe ý kiến của tôi và tự nhận lấy kiến thức cho mình mà không hề giảm kiến thức của tôi; giống như anh ta thắp sáng ngọn nến của anh ta bằng ngọn nến của tôi và nhận được ánh sáng mà không hề làm tôi bị tối đi”.

Cải cách giáo dục trên phạm vi toàn thế giới đầu thế kỷ này, xét từ góc độ nào đó, là cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó, tri thức mới phải được chia sẻ đến mọi người, tạo cho mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi doanh nghiệp đều có cơ hội và điều kiện tiếp cận tri thức mới, làm chủ tri thức mới theo phương thức họ học hỏi tri thức - chia sẻ tri thức.

Các quốc gia thường chú ý phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội trong cuộc cải cách giáo dục mới để bảo đảm ai cũng học tập, ai cũng được hưởng thụ giáo dục, ai cũng tham gia phát triển giáo dục. Trên thế giới, vấn đề này được viết thành khẩu hiệu “Giáo dục cho mọi người và mọi người cho giáo dục” (Education for All and All for Education). Để thực hiện khẩu hiệu này, giáo dục không chỉ đóng khung trong hệ thống trường lớp mà phải mở rộng ra ngoài xã hội, mặt khác, giáo dục phải chuyển từ phục vụ ít người sang cho quảng đại nhân dân. Việc thiết kế một hệ thống giáo dục mởi phải tính toán đến các mối quan hệ sau:

- Quan hệ giữa các lĩnh vực nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài;

- Quan hệ giữa giáo dục thế hệ trẻ với giáo dục người lao động và giáo dục người cao tuổi;

Nhìn chung, hệ thống giáo dục ban đầu cho thế hệ trẻ giữa các quốc gia có nhiều điểm tương đồng, chỉ khác nhau nhiều ở giáo dục người lớn. Do vậy, chúng ta chỉ khảo sát hệ thống giáo dục tiếp tục ở một vài nước thôi.

1. Trước hết, ta nhìn sang Nhật Bản. Để xây dựng xã hội học tập, chính phủ Nhật Bản đã lập ra “Ủy ban Quốc gia về giáo dục suốt đời”. Theo luật định, Nhật Bản có hai hệ giáo dục: Giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Giáo dục nhà trường chính là hệ giáo dục ban đầu, gồm trường mẫu giáo, trường phổ thông (ở Nhật, trường phổ thông là loại trường phổ cập giáo dục) và các loại hình trường đào tạo nghề từ trung cấp đến đại học.

Với hệ giáo dục xã hội, tức là giáo dục tiếp tục, Nhật Bản là nước rất quan tâm bởi đây là hệ giáo dục có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong hệ này có các loại hình trường cơ bản sau:

- KominKan: Đây là một thiết chế giáo dục giống như các Trung tâm học tập cộng đồng ở nước ta (có người dịch KominKan là Cung văn hóa công dân). Tại KominKan, người ta có rất nhiều chương trình đào tạo khác nhau dành cho người lớn. Nhật Bản có khoảng 18.000 KominKan với trên 50.000 cán bộ phục vụ.

- Shenshu Gakko: Đây là loại trường có chức năng bồi dưỡng năng lực công tác cho người lao động và nâng cao trình độ giáo dục phổ thông cho những người đã học xong sơ trung hay cao trung.

Cả nước Nhật có khoảng 3000 Shenshu Gakko.

- Kakushu Gakko: Loại hình trường này có chức năng dạy nghề cho thanh niên, giúp họ nâng cao kỹ năng thực hành trong nhiều lĩnh vực như may mặc, nấu ăn, đánh máy, lái xe, sữa chữa máy tính, ôtô, xe máy và những thiết bị kỹ thuật.

- Lớp đại học mở: do các trường đại học tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu học vấn của người lớn. Hiện nay, ở Nhật Bản có trên 300 trường cao đẳng hoặc đại học có các lớp đại học mở.

- Đại học qua không trung: Chương trình đào tạo của loại hình trường này đạt chuẩn đại học đã được nhà nước quy định. Mục tiêu của đại học qua không trung là cung cấp giáo dục đại học cho công nhân và phụ nữ. Có trên 230 giáo trình được giảng dạy ở loại hình trường này.

- Trung tâm hướng nghiệp trung cấp: Nội dung đào tạo ở đây là nâng cao trình độ nghề nghiệp, cập nhật kiến thức cho công nhân làm việc trong các doanh nghiệp, các viên chức thuộc các cơ quan khác nhau và học sinh vừa tốt nghiệp các trường phổ thông. Mỗi năm ở Nhật có trên 150.000 người được theo các lớp của trung tâm.

- Giáo dục hàm thụ: Hình thức học ở đây là qua thư. Nhà trường chính quy có giáo dục bằng thư đúng như chương trình họ đang dạy. Các tổ chức đoàn thể có thể tổ chức giáo dục bằng thư. Hàng năm có khoảng 500.000 người theo học hàm thụ. Bộ Giáo dục cho in khoảng 700.000 sách hướng dẫn học hàm thụ.

2. Về tổ chức hệ thống giáo dục theo hướng xã hội học tập ở Trung Quốc, ta thấy giáo dục ban đầu  của quốc gia này có sự phát triển mạnh. Ở đây, chúng ta chỉ tham khảo hệ giáo dục tiếp tục cho người lớn. Với đối tượng là người lớn, Trung Quốc có nhiều loại hình trường lớp, chủ yếu là:

- Trường xóa mù chữ nghiệp dư: Loại hình trường này gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp với những tên gọi khác nhau như trường buổi tối cho nông dân, trường nghiệp dư cho nông dân, trường xóa mù chữ và dạy kỹ thuật cho nông dân v.v…

- Trường dạy nghề sơ cấp cho nông dân: Trường dạy khoa học và kỹ thuật nông nghiệp và các kỹ thuật khác như tơ tằm, chăn nuôi, đánh cá, cơ khí nông nghiệp. Trường do cộng đồng hoặc Phòng nông nghiệp huyện quản lý. Vào ngày nông nhàn, số tiết học ở các lớp có thể tăng lên.

- Trường trung học nghiệp dư cho nông dân: Trường mở các lớp sơ trung và cao trung. Nội dung chủ yếu gồm các môn chính trị, toán, vật lý, hóa học, kỹ thuật nông nghiệp, tiếng Hoa.

- Trường trung học nghiệp dư cho cán bộ, nhân viên, công nhân: Nội dung gần giống như của Trường trung học nghiệp dư cho nông dân, nhưng về kỹ thuật thì dạy theo nội dung công nghiệp. Trường này đặt trong các xí nghiệp.

- Trường đại học tại chức. Đối tượng học là nông dân. Địa điểm học đặt trên địa  bàn huyện, dưới sự chỉ đạo của Phòng dạy nghề của huyện.

- Trường cao đẳng nghiệp vụ cho nông dân. Chương trình dạy tập trung vào nghiệp vụ nông nghiệp.

- Trường Trung học và cao đẳng qua đài phát thanh. Nhiệm vụ chủ yếu của trường là nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân và cán bộ. Loại hình trường này gồm Trường giáo dục nông nghiệp Trung ương và trường đại học Trung ương.

- Khóa hàm thụ và đại học buổi tối. Các khóa học này do trường đại học hay cao học đảm nhận. Học viên chủ yếu là công nhân và viên chức.

- Các nhóm học tại cộng đồng. Có nhiều hình thức nhóm học như nhóm học gia đình, nhóm học láng giềng, nhóm học phụ nữ v.v…Trưởng thôn hoặc đội trưởng sản xuất hướng dẫn các hoạt động của nhóm.

3. Ở Vương quốc Anh (gồm có Anh, xứ Wales, Scotlen và Ireland), theo đạo luật Butler, mọi học sinh đi học đến 15 tuổi đều không mất tiền. Trên 50 % dân cư độ tuổi 18-30 đều có cơ hội tiếp nhận giáo dục cao đẳng. Cho đến nay, chưa có nước nào có số thanh niên đi học đông đảo như ở quốc gia này, trừ Hàn Quốc. Trên 70% thanh niên Anh được đào tạo nghề.

Về giáo dục người lớn, tại Anh có nhiều loại hình trường lớp sau:

- Trường đại học (dành cho học viên lớn tuổi). Trường tổ chức các khóa học để cấp chứng chỉ về nghề nghiệp và học thuật. Hiện nay, trường mở rất nhiều khóa học về nghiệp vụ qua hệ thống viễn thông.

- Trường Đại học mở, hoạt động với tư cách là một công ty độc lập có sự hỗ trợ của chính phủ. Nội dung đào tạo chủ yếu về các nghề dưới trình độ cử nhân. Đại học mở nghệ thuật thì cung ứng các khóa học cho những người muốn học tại nhà.

- Các trường lớp do các tổ chức tình nguyện thành lập. Có nhiều tổ chức tình nguyện đứng ra mở trường lớp như Hội đồng Quỹ giáo dục người lớn (mở các khóa học để lấy chứng chỉ nghề nghiệp và học vấn), Hội các kỹ năng cơ bản và dạy học cho người lớn (cung cấp các dịch vụ tư vấn và gây quỹ cho các dự án phát triển giáo dục ở địa phương, xuất bản các tài liệu cho giáo viên, tài trợ việc đào tạo nhân viên v.v…), Hội đồng giáo dục cộng đồng Scotland thì tư vấn cho chính phủ thúc đẩy lĩnh vực giáo dục người lớn tại cộng đồng và cung cấp dịch vụ giáo dục cho thanh niên.

- Viện giáo dục người lớn quốc gia. Đây là trung tâm thông tin, nghiên cứu, xuất bản các giáo trình giáo dục tiếp tục cho người lớn.

- Các khóa đào tạo công chức. Các khóa này có nhiệm vụ giúp công chức học tập suốt đời. Ở Anh, có ba hệ thống đào tạo công chức.

+ Hệ đào tạo công chức trước khi nhận chức

+ Hệ đào tạo tại chức.

+ Hệ đào tạo quan chức cao cấp

4. Ở Australia, hệ giáo dục phổ thông bắt buộc (phổ cập) gồm 7 năm tiểu học và 4 năm trung học, tổng cộng là 11 năm. Những thanh niên muốn theo học đại học phải học thêm hai năm trung học nữa. Việc học suốt đời của người lớn có các loại hình trường lớp sau:

- Trường Cao đẳng buổi tối. Nội dung chủ yếu ở đây là các lớp giáo dục phổ thông cao trung cho người lớn.

- Trường Cao đẳng kỹ thuật và Giáo dục tiếp tục. Đối tượng đi học là người lớn cần phát triển kỹ năng nghề nghiệp (học miễn phí), các lớp học dự bị đại học, chương trình tiếng Anh và chương trình cho người lớn bị thiệt thòi.

- Trường Đại học hoặc Cao đẳng giáo dục nâng cao. Chủ yếu là đào tạo về nghề, cũng có khi trường mở các lớp bổ túc văn hóa.

- Trường đại học ban đêm. Trường này dùng cơ sở vật chất - kỹ thuật của các trường đại học ban ngày và một số trường trung học chính quy. Đối tượng đi học hoàn toàn là người lớn.

- Tổ chức giáo dục tại cộng đồng. Các tổ chức này dựa vào cộng đồng mở các lớp học theo yêu cầu của cộng đồng. Cơ quan giáo dục địa phương có trách nhiệm chủ trì các lớp học.

Nhìn chung, ở các nước đã phổ cập giáo dục phổ thông thì việc học tập tiếp tục chủ yếu là theo chương trình cao đẳng hoặc đại học dành cho người lớn. Các nước đó không còn phải lo việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học hoặc trung học cơ sở như ở Việt Nam.

5. Trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia đang đổi mới hoặc cải cách giáo dục theo hướng xây dựng xã hội học tập. Tại Anh quốc, ngày 6-8/9/2007 đã có Hội thảo khoa học “Sự phát triển các dạng thức tiếp cận giáo dục suốt đời ở Châu Âu” do Viện giáo dục London tổ chức.

Trong tổng kết hội thảo, người ta đã khái quát hóa các mô hình xã hội học tập ở Châu Âu có 5 kiểu chính:

- Mô hình Scandinave (Đan Mạnh, Phần Lan, Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển);

- Mô hình khối lục địa Châu Âu (Đức, Pháp, Ý, Bỉ, Áo);

- Mô hình Anglo - Saxon (Anh, Ireland);

- Mô hình Địa Trung Hải (Hy Lạp, Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha);

- Mô hình Trung Âu (Cộng hòa Séc, Hungarie).

Xây dựng xã hội học tập là một sự nghiệp lớn của thời đại mà quốc gia nào, nếu không muốn an bài, đều phải nhanh chóng bắt tay vào công việc này. Kết quả tất yếu do xã hội học tập mang lại là tăng nhanh tri thức như một nguồn của cải quan trọng nhất của xã hội. Paul Romer từ lâu đã viết rằng, động lực của tăng trưởng bắt nguồn tư tích lũy tri thức. Tri thức có tính không cạnh tranh và tính không thể bài ngoại từng phần, tri thức mang lại lợi ích cho người phát minh ra nó và cho người sở hữu nó, làm tăng tổng khối lượng tri thức của toàn xã hội. Xây dựng xã hội học tập là công việc làm tăng nhanh vốn tri thức, từ đó làm chuyển đổi xã hội, thực hiện việc hiện đại hóa các quan hệ truyền thống, hiện đại hóa phương thức tư duy truyền thống cùng các vấn đề y tế, văn hóa, phát triển nhân lực. Từ đó, con người sẽ nắm bắt tốt hơn vận mệnh của mình, mở rộng tầm nhìn, giảm thiểu những ách tắc xã hội, nhờ đó đời sống ở mỗi quốc gia cũng như đời sống của nhân loại sẽ phong phú hơn, hạnh phúc hơn, giàu có hơn./.

GS.TS Phạm Tất Dong

Ngay-nay
 

Di sản Thế giới tại VN

 

Quần thể di tích cố đô Huế

Được UNESCO công nhận năm 1993. Di sản văn hoá., tiêu chí số 4. ...

 

Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Được UNESCO công nhận năm 1994, công nhận mở rộng năm 2000. Di ...

 

Thánh địa Mỹ Sơn

Được UNESCO công nhận năm: 1999 Di sản Văn hoá; Tiêu chí số: 2,...

 

Đô thị cổ Hội An

Được UNESCO công nhận năm 1999 Di sản văn hoá; Tiêu chí số: 2, ...

 

Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nhạc cung đình được là Lễ nhạc, hoặc Nhã nhạc, (dân gian gọ...

 

Di sản thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng

Công nhận năm: 2003 Di sản Thiên nhiên thế giới; Tiêu chí: 1 Vù...

Liên kết

TT UNESCO Thái cực Trường sinh
Thông tin về chương trình và hoạt động của Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh
TT UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam
Thông tin hoạt động với tiêu chí bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
 TT Thông tin UNESCO - UNET
Trung tâm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nhà khoa học, những người hoạt
động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, văn hóa và các thành
phần xã hội nói chung