Mục đích chung của Thập kỷ là thúc đẩy giáo dục với vai trò là nền tảng cho một xã hội bền vững hơn và lồng ghép nội dung của phát triển bền vững vào hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp nhằm khuyến khích sự thay đổi trong cách ứng xử để có được một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.
Việt Nam và nửa đầu Thập kỷ GDPTBV (2005-2009)
Đối với Việt Nam, quan điểm PTBV đã được thể hiện xuyên suốt trong quá trình thực hiện “Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991-2000” và cũng đã được khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về tăng cường bảo vệ môi trường trong thời đại công nghiệp hoá-hiện đại hoá. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001-2010 của Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát của phát triển bền vững “nhằm đạt được một cuộc sống đầy đủ về vật chất, giàu có về tinh thần và văn hoá, bình đẳng và thống nhất xã hội. Phát triển phải được kết hợp một cách hài hoà, hợp lý và đồng bộ trên cả 3 phương diện, đó là phát triển kinh tế, bình đẳng xã hội và bảo vệ môi sinh”. Để đạt được mục tiêu PTBV đã được đề ra, Chính phủ đã ban hành “Định hướng Chiến lược Phát triển Bền vững ở Việt Nam” (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục “Con người là trung tâm của sự phát triển bền vững. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là cải thiện hệ thống giáo dục và tăng cường nhận thức về phát triển bền vững cho mọi người dân, mọi cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức và các cơ quan của Nhà nước ở tất cả các cấp”.
Hưởng ứng sáng kiến của Liên Hợp quốc về Thập kỷ GDPTBV (2005-2014), Uỷ ban Thập kỷ Giáo dục vì Phát triển Bền vững của Việt Nam đã được thành lập theo quyết định số 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11 tháng 11 năm 2005. Việt Nam đã xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia cho Thập kỷ GDPTBV (2005-2014) tập trung vào bảy chiến lược chính để thực hiện GDPTBV bao gồm: Định hướng và xây dựng tầm nhìn; Đóng góp và làm chủ; Liên kết và hợp tác; Xây dựng năng lực và đào tạo; Nghiên cứu và đổi mới; Công nghệ truyền thông và thông tin; Theo dõi và đánh giá. Trong 5 năm đầu Thập kỷ, các hoạt động của Uỷ ban chủ yếu tập trung vào việc nâng cao nhận thức về GDPTBV, thí điểm các sáng kiến và dự án và tạo ra các quan hệ hợp tác mới. Việt Nam đã tham gia một số hoạt động quốc tế và khu vực nhằm xây dựng năng lực cho các bên liên quan để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động. Các hoạt động của Uỷ ban đã có những kết quả đáng khích lệ: Mạng lưới các trường liên kết UNESCO tại Việt Nam phát triển mạnh; Trung tâm học tập cộng đồng đã phát triển mạnh và rộng khắp đất nước, đưa giáo dục không chính quy trở thành một bộ phận trong hệ thống giáo dục của Việt Nam và bổ trợ cho “Giáo dục cho mọi người”; Phát triển mạng lưới các khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới tại Việt Nam và gắn kết với GDPTBV.
Nhiều nội dung PTBV đã được đưa vào chương trình giảng dạy chính khoá hoặc ngoại khóa ở tất cả các cấp học của Việt Nam. Các chính sách và chương trình hành động quốc gia về kinh tế, xã hội, môi trường đã góp phần đưa các chủ đề như bình đẳng giới, quyền trẻ em, HIV/AID, giáo dục môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý và giảm nhẹ thiên tai, phòng chống tham nhũng, … vào các chương trình giáo dục chính qui và phi chính qui cho tất cả các cấp và các đối tượng. Tại cấp quốc gia, nhiều hoạt động tập trung vào việc xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu và nâng cao năng lực triển khai các hoạt động GDPTBV. Tại cấp địa phương, nhiều trường học và cộng đồng đã thực hiện những chương trình giáo dục đa dạng đem lại kiến thức và kỹ năng thiết thực để giải quyết các vấn đề xã hội – môi trường tại cấp cơ sở. Trong nửa đầu của Thập kỷ, giáo dục đã nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng mọi mặt của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Bên cạnh những thành tựu kể trên, nửa đầu Thập kỷ về GDPTBV cũng chứng kiến những thách thức to lớn đối với vai trò và chất lượng của giáo dục. Hệ thống giáo dục đã có nhiều tiến bộ nhưng còn nặng về giáo dục lý thuyết, nội dung và phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới. Trong những năm qua, việc lồng ghép các chủ đề PTBV như giáo dục môi trường trong trường học gặp nhiều khó khăn do chương trình giáo dục đã quá tải. Tích hợp các chủ đề kinh tế môi trường xã hội vào giáo dục đã góp phần mang lại kiến thức mới, nhưng chưa đem lại sự thay đổi cả về nhận thức và hành vi. Mặc dù nhận được quan tâm và ủng hộ từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các trường đại học sư phạm và viện, trung tâm nghiên cứu, việc triển khai GDPTBV gặp nhiều thách thức về hợp tác và liên kết giữa các cơ quan ban ngành. Trong giáo dục chưa xác định được mục tiêu, lộ trình, giải pháp để thực hiện GDPTBV nên khi thực hiện thường thiếu đồng bộ và thiếu hệ thống. Nhận thức về vị trí và vai trò của GDPTBV còn chưa đầy đủ từ các cấp ủy Đảng, tổ chức chính trị xã hội đến các tổ chức chính quyền, trường học và người dân. Và việc triển khai GDPTBV gặp nhiều hạn chế trong huy động nguồn lực, khó khăn về tài chính, cơ sở kỹ thuật và phương tiện.
Kế hoạch hành động quốc gia Giáo dục vì Phát triển bền vững Việt Nam (2010-2014)
Trên cơ sở những định hướng của Tuyên bố Bonn được thông qua tại Hội nghị Thế giới về GDPTBV do UNESCO tổ chức tại Bonn (Đức, 31/3-2/4/2009) và Định hướng chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam), Ủy ban TKGDPTBV đã xây dựng kế hoạch 5 năm còn lại của Thập kỷ 2010-2014. Nhiệm vụ bao trùm của nửa cuối Thập kỷ là đẩy mạnh các sáng kiến và chương trình GDPTBV, huy động thêm nguồn lực để biến nhận thức thành hành động, tạo ra sự thay đổi trong lối sống và cùng chung tay xây dựng một tương lai bền vững. Đẩy mạnh mục tiêu Dạy và Học vì một tương lai bền vững thông qua các chiến lược: Liên kết và hợp tác; Xây dựng năng lực và đào tạo; Nghiên cứu và đổi mới; Công nghệ thông tin và truyền thông; và thường xuyên Theo dõi và đánh giá để đảm bảo kế hoạch hành động đạt được các thành quả tích cực và có hiệu quả lâu dài. Cần có cơ chế chia sẻ thông tin, kết nối và thúc đẩy các mô hình GDPTBV sâu rộng hơn nữa, và cần rất nhiều đầu tư và nguồn lực để đạt được các mục tiêu của Thập kỷ này.
Mục tiêu
(i) Nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của giáo dục phát triển bền vững: giáo dục là nền tảng cho sự phát triển bền vững, con người là chủ thể và trung tâm của sự phát triển bền vững.
(ii) Chuyển nhận thức về phát triển bền vững thành những hành động thiết thực thông qua việc kết hợp các khái niệm và nội dung của Chương trình nghị sự 21 vào định hướng chiến lược, chính sách và chương trình giáo dục một cách hiệu quả và chất lượng.
(iii) Tích hợp và lồng ghép phát triển bền vững vào tất cả các khía cạnh của giáo dục để khuyến khích thay đổi hành vi và thái độ, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, công bằng và văn minh.
(iv) Tăng cường liên kết và hợp tác giữa các bên liên quan, giữa các cơ quan ban ngành, giữa nhà nước và doanh nghiệp, trong nước và quốc tế ở tất cả các ngành, các cấp, với mọi hình thức giáo dục (chính quy và không chính quy) và trong tất cả các lĩnh vực giáo dục để thúc đẩy GDPTBV.
(v) Tăng cường liên kết GDPTBV với Giáo dục cho mọi người (EFA, 2003-2015), các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), Thập kỷ xoá mù chữ (UNLD, 2003-2012), Xây dựng một xã hội học tập (2005-2010), và Giáo dục nghề nghiệp cho mọi người.
Nội dung chính
Trước những cơ hội và thách thức cho GDPTBV, năm năm tới của Thập kỷ sẽ đẩy mạnh các nội dung quan trọng sau:
- Tích hợp, lồng ghép GDPTBV vào các chương trình giáo dục chính qui và phi chính qui;
- Nâng cao năng lực và đào tạo;
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về GDPTBV cho tất cả mọi đối tượng, các tổ chức và cá nhân ở tất cả các cấp;
- Tăng cường giáo dục không chính qui;
- Huy động sự tham gia sâu rộng của các tổ chức xã hội và đoàn thể, các doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân khác;
- Tăng cường liên kết và hợp tác trong và ngoài nước;
- Tăng cường theo dõi, đánh giá hoạt động GDPTBV.
Các hoạt động cụ thể của từng nội dung được xây dựng theo kế hoạch hàng năm.
Tổ chức thực hiện
Kế hoạch hành động GDPTBV có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của nhiều Bộ, ngành. Vì vậy phải được tổ chức thực hiện đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, đoàn thể.
Ủy ban về Thập kỷ GDPTBV của Việt Nam do Bộ Ngoại giao làm Chủ tịch có nhiệm vụ: Tham mưu cho Hội đồng PTBV quốc gia trong định hướng hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ Thập kỷ GDPTBV; Nghiên cứu và tư vấn cho Hội đồng về các vấn đề liên quan đến định hướng chiến lược, chính sách và chương trình thực hiện trong lĩnh vực GDPTBV; Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thúc dẩy chương trình hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, các hoạt động trong khuôn khổ thập kỷ GDPTBV; Đề xuất các phương án tổ chức, hướng dẫn và thúc đẩy việc thực hiện chương trình, dự án tổng thể về lĩnh vực giáo dục nhằm thực hiện Chương trình nghị sự của Việt Nam; Tổng hợp tình hình và định kỳ báo cáo với Chủ tịch Hội đồng trong khuôn khổ Thập kỷ và hợp tác với UNESCO; Đề xuất các nội dung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân về PTBV.
Dựa trên Kế hoạch hành động quốc gia Giáo dục vì Phát triển bền vững Việt Nam (2010-2014), các Bộ/ngành liên quan chủ động xây dựng chương trình hoạt động cụ thể của Bộ/ngành mình và triển khai thực hiện các hoạt động GDPTBV thuộc Bộ/ngành mình phụ trách và định kỳ báo cáo UBTKGDPTBV tình hình hoạt động để tổng hợp báo cáo Hội đồng PTBVQG. (Một năm hai lần, Hội đồng PTBVQG báo cáo Thủ tướng chính phủ về hoạt động của Hội đồng).
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tại địa phương; tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch hành động gửi Ủy ban về Thập kỷ GDPTBV để báo cáo Ủy ban về Thập kỷ GDPTBV.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội và đoàn thể khác: phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cấp chính quyền trong việc triển khai và thúc đẩy và huy động nguồn lực cho các hoạt động GDPTBV tại Việt Nam.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động được huy động từ nhiều nguồn:
a. Ngân sách trung ương: từ nguồn ngân sách nhà nước theo dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hàng năm cho các hoạt động PTBV và GDPTBV
b. Ngân sách địa phương: hàng năm địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách cho các hoạt động GDPTBV, kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn.
c. Từ các nguồn huy động hợp pháp khác ở trong và ngoài nước (đóng góp của doanh nghiệp, cộng đồng, viện trợ quốc tế theo chương trình, dự án...).
Ủy ban về GDPTBV cùng các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra theo dõi, đôn đốc chương trình; xây dựng kế hoạch từng giai đoạn, từng năm để thực hiện Kế hoạch hành động một cách phù hợp, có hiệu quả./.
Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam